Tôi chưa kịp hỏi đầm sen ở đâu, một con ngỗng không biết từ đâu lạch bạch lao tới chỗ tôi, vừa chạy vừa kêu quàng quạc khiến mặt tôi tái mét. Tôi rất sợ ngỗng. Từ bé tôi đã sợ ngỗng. Hồi đó mỗi lần mẹ tôi rủ tôi về thăm ngoại là tôi hãi. Ông ngoại tôi nuôi một bầy ngỗng thả rong trước sân để giữ nhà. Lần nào tôi tới thăm ông cũng bị bầy ngỗng rượt chạy trối chết, không ít lần tôi bị ngỗng mổ vào bắp chân. Ngỗng mổ rất đau, chẳng khác nào có ai lấy kèm kẹp vào da mình.
Thấy mắt tôi mở trừng trừng, bộ tịch như sắp lăn ra xỉu tới nơi, con Rùa cười:
- Anh sợ hả?
Nói xong, con Rùa đứng chắn trước mặt tôi và thò tay thộp trúng ngay cổ con ngỗng lúc này đã vươn ra rất dài và chiếc mỏ cứng như thép của nó suýt chút nữa đã chạm được vào đùi tôi.
Tôi chưa kịp thở phào, con Rùa đã buông con ngỗng ra khiến tôi muốn ngất, lần này chắc chắn là ngất thật.
Con Rùa dường như cũng biết điều đó. Nó ngồi thụp xuống, nói với con ngỗng bằng giọng nhẹ nhàng:
- Em đi chơi đi! Đây là anh Đông, bạn của chị đó.
Trước ánh mắt ngạc nhiên của tôi, con ngỗng quay mình bỏ đi về phía ao rau muống.
- Nó hiểu được em nói gì ạ? – Tôi liếm môi hỏi, khi con ngỗng đã đi xa.
- Dạ.
Tôi nuốt nước bọt:
- Thế còn nó? Khi nãy nó nói gì vậy, lúc nó chạy về phía anh đó?
- Nó kêu “Kẻ trộm! Kẻ trộm!”.
Con Rùa khiến tôi dở cười dở khóc. Tôi liếc nó, nghĩ nó chơi xỏ tôi. Nhưng vẻ mặt con Rùa thản nhiên đến mức tôi không tìm thấy một dấu hiệu gì tố cáo rằng nó đang trêu tôi.
- Thôi, anh qua nhà cô Út Huệ đây! – Đột nhiên tôi nói.
- Anh không ra đầm sen với em à? – Con Rùa nhìn tôi bằng ánh mắt nheo nheo.
- Chiều đi em! Bây giờ nắng lắm!
Tôi từ chối.
Trời nắng chỉ là cái cớ.
Tôi đang sợ ngỗng.
Ăn trưa nhà cô Út Huệ xong, tôi leo lên phản nằm nghe gió mơn man da thịt. Nhà cô Út Huệ cửa nẻo thông thốc, gió tha hồ ra vào chơi đùa chạy nhảy trên người tôi khiến tôi bị giấc ngủ cuốn trôi lúc nào không hay.
Khi tiếng chim chèo bẻo kẹt trên cây sầu đông trước sân đánh thức tôi dậy, nhà đã vắng tanh. Cô Út Huệ chắc đã đội nón ra đồng. Bé Loan, mười tuổi, con gái cô cũng chẳng thấy đâu, tôi đoán nó đang mải mê bắt chuồn chuồn ngoài vườn cải.
Tôi ra sau hè, múc nước rửa mặt. Lúc đi vào, tôi nhác thấy bé Loan đứng chỗ cây ổi, đang loay hoay với cái lon sữa bò trên tay.
Tôi tò mò nhón chân lại gần, trố mắt quan sát. Hóa ra nó đang chơi trò gọi điện thoại.
Cái lon được đục rỗng hai đầu, một đầu bịt giấy, có sợi chỉ xuyên qua ngay chính giữa. Sợi chỉ từ cái lon này nối với cái lon kia. Khi bị kéo căng, sợi chỉ truyền được âm thanh.
Lúc tôi sè sẹ bước tới, bé Loan đang trò chuyện với con Rùa bên kia hàng rào.
Nó nói huyên thuyên gì đó vào cái lon, hình như đang hỏi về bài học ở lớp, xong úp cái lon vào tai để nghe con Rùa trả lời.
Tôi tưởng nó đang mải mê tán chuyện, không biết tôi đứng ngay sau lưng. Nào ngờ nó nói oang oang trong ống lon khiến tôi giật bắn mình:
- Chị nói sao? Có kẻ trộm đứng sau lưng em à?
Tôi chưa kịp phản ứng, đã giật mình thêm cái nữa khi bé Loan tiếp tục ông ổng:
- Con ngỗng tưởng là kẻ trộm chứ thực ra anh Đông không phải là kẻ trộm hả chị?
Tới đây tôi không nhịn được nữa, liền đưa tay cốc đầu con nhóc một cái:
- Đủ rồi nghe em!
Tôi giật phắt cái lon trên tay nó:
- Đưa đây cho anh!
Tôi áp cái lon vào miệng:
- Em nói xấu gì anh đó, Rùa?
Tôi liếc qua nhà con Rùa, thấy nó đang đứng tủm tỉm sau giờ giậu. Nghe tôi hỏi, nó lật đật nói vào ống loa:
- Bé Loan nói chứ em đâu có nói. Em chỉ bảo anh đang đứng sau lưng nó thôi.
- Vậy tại sao nó biết chuyện… “kẻ trộm”?
- Đó là en kể cho nó nghe. Kể lúc anh còn ở trong nhà kia.
Vậy là bé Loan trêu tôi chứ không phải con Rùa. Tôi quay lại tính cốc con nhóc này thêm cái nữa nhưng nó đã chạy mất.
Nhớ đến cuộc trao đổi về bài học giữa con Rùa và bé Loan khi nãy, tôi ngập ngừng hỏi:
- Em học chung lớp với bé Loan hả Rùa?
- Dạ.
- Sao anh nghe thằng Thục nói em… bằng tuổi nó.
- Dạ. Năm nay em mười bốn tuổi.
Mười bốn tuổi lẽ ra phải học lớp chín như thằng Thục. Nhưng con Rùa vẫn học lớp năm trường làng. Tôi tính hỏi nó tại sao nó lại học trễ như vậy, trong khi ông nội nó là thầy giáo, nhưng cuối cùng tôi quyết định không đả đọng gì đến chuyện đó. Có hàng trăm lý do để một người học trễ, mỗi lý do là một nỗi buồn và thật là bất nhẫn nếu gợi lại nỗi buồn của người khác.
Con Rùa như đọc được thắc mắc của tôi qua sự im lặng đột ngột. Nó giải thích:
- Hồi bảy tuổi, em bị bệnh. Bệnh nặng lắm, em ốm giơ xương, rụng hết tóc, tưởng chết rồi. Em phải nghỉ học mất bốn năm.
8
Nghỉ học tới bốn năm là một điều kinh khủng với trẻ con. Một đứa lớn xác, lẽ ra học lớp chín lại ngồi chung với lũ nhóc tì, thế nào cũng bị bạn bè trêu chọc. Thế nhưng chuyện học trễ có vẻ chẳng phải là một gánh nặng đối với con Rùa. Khi đã chơi thân với nó, tôi thấy nó không hề mặc cảm gì về chuyện lớn tồng ngồng rồi mà ngày ngày vẫn ôm tập đến trường tiểu học ngồi lê la với lũ nhóc lên mười.
Con Rùa còn khoe tôi nhờ nằm nhà uống thuốc suốt bốn năm trời, nó biết thêm khối thứ về cái loại cây lá chữa bệnh.
Trong bốn năm đó, ngoài ông bà nội nó ra, con Rùa chỉ có một người bạn duy nhất là ông thầy thuốc bắc. Những đứa trẻ làng thỉnh thoảng cũng đến thăm nó nhưng con nít mải chơi, ngồi với con Rùa một lát đám trẻ buồn chân lại chạy ra đồng bắt dế, thả diều, bỏ mặc nó ngồi một mình trên chiếc phản lạnh tanh ngắm mặt trời chiều chín đỏ bên kia dãy núi xa mờ.
- Thế em không buồn à?
- Không. Em có nhiều bạn lắm.
Trước cái miệng há hốc của tôi, con Rùa long lanh mắt:
- Để em kể anh nghe nhé. Con Cổ Dài nè, thằng Đuôi Dài nè, con Đít Đỏ nè…
Lúc đầu tôi chẳng hiểu con Rùa nói gì. Mãi đến khi nó giải thích, tôi mới biết nó muốn nhắc đến con ngỗng thường quẩn quanh bên ao rau muống, con sóc hay trèo lên trèo xuống cây dừa sau vườn, rồi con chào mào mới về làm tổ trên ngọn tre trước ngõ nhà nó.
Con Rùa còn liệt kê thêm nhiều nữa. Nó còn một lô bạn trong rừng, trong đó có một con khỉ thỉnh thoảng vẫn chạy ra chơi với nó.
Tôi ù cả tai, vội vã cắt ngang:
- Chậc, chậc… anh biết rồi. Bạn em nhiều thật đó.
- Thế anh có thích chơi với bạn em không? – Con Rùa ngước nhìn tôi, cắc cớ hỏi.
- Thích. Anh thích lắm! – Đang hùng hồn, sực nhớ tới con ngỗng suýt mổ vào đùi tôi hồi sáng, tôi lập tức ngắc ngứ - Ờ… ờ… nhưng để anh suy nghĩ lại đã…
Con Rùa đập lên tay tôi, cười khúc khích:
- Anh đừng lo! Con Cổ Dài không rượt anh nữa đâu. Em đã bảo nó rồi.
Con Rùa làm mặt tôi ửng lên như củ cải phơi nắng. Một lần nữa, nó đi xe đạp vào bụng tôi, dù trên thực tế nó không biết chạy xe.
- Sao em không tập chạy xe hả Rùa?
- Em bị ốm mấy năm trời mà anh.
- Ờ há.
Tôi ngượng ngập đưa tay gãi đầu và chữa thẹn bằng cách đưa mắt nhìn lên tàng cây bướm bạc đang chảy tràn ánh nắng, ân cần nói:
- Vậy mai mốt cần đi đâu xa em nói anh, anh lấy xe chở em đi.
- Em suốt ngày chỉ loanh quanh trong làng thôi à.
Tôi nheo mắt:
- Thế ai hôm trước đi xuống chợ Kế Xuyên lượm nắp keng?
- Thỉnh thoảng em mới đi xuống đó mà anh.
Tôi khua tay vô cành huỳnh anh um tùm cạnh giếng nước, tò mò hỏi:
- Em để dành nắp keng được nhiều chưa?
Con Rùa chớp mắt, khi nó chớp mắt tôi mới thấy đôi mi nó thật dài:
- Em nhặt giùm cho bé Loan.
- Nhặt giùm? – Tôi tròn xoe mắt.
- Ờ, bé Loan còn nhỏ, không tranh lại với các bạn khác nên em nhặt đem về cho nó.
Giọng con Rùa tỉnh khô như thể đó là chuyện bình thường, mặc dù khi những chiếc nắp keng trở thành thứ mà thằng Thục có thể để mua kẹo đậu phộng tôi nghĩ nó không bình thường chút nào.
Sau này tôi mới biết con Rùa vẫn thường làm thế với lũ bạn học lóc nhóc của nó.
Những đứa trẻ lớp năm mỗi khi bị những đứa lớn hơn bắt nạt đều được con Rùa chở che. Tự nhiên nó trở thành đứa con gái nổi tiếng ngang ngạnh, thậm chí sẵn sàng đánh nhau. Nhưng chuyện đó sau này nghe thằng Thục kể tôi mới biết. Còn ngay lúc này tôi và nó ngồi trên thành giếng trò chuyện với nhau dưới bóng mát của cành huỳnh anh không ngừng đong đưa trên đầu, trong mắt tôi nó vẫn là đứa con gái dịu hiền và tôi không giấu lòng rằng càng gần gũi với con Rùa, tôi càng thích nó.
Chiều đó, con Rùa rủ tôi đi chơi.
- Đi ra đầm sen hở em? – Tôi tỏ vẻ hiểu biết.
- Không. Đi đầm sen em chỉ thích đi vào buổi trưa....