Dĩ nhiên Bích Lan rất thất vọng trước sự ù lì của tôi, nó bảo tôi là đồ nhà quê, và sau khi nói vậy nó vẫn kiên trì ngồi cạnh tôi mỗi khi có dịp và tiếp tục gạ gẫm tôi. Gạ gẫm không được thì nó hỏi tôi có phải là pêđê không mà không chịu hôn nó, điều mà những bạn trai cũ của nó đứa nào cũng thích. Những lúc như vậy tôi chỉ biết cười trừ và nhìn ra màn mưa ngoài trời, ấp úng nói:
- Trời ngớt mưa rồi đó…
Bây giờ tôi phát giác ra mình vừa lặp lại mẫu câu đó với con Rùa. Chỉ khác là tôi đang ngồi cạnh con Rùa trong lòng một bụi duối dại giữa cánh đồng lướt thướt mưa và bối rối vì trót hôn nó chứ không phải vì từ chối hôn nó. 11
Hôm đó, khi về tới nhà con Rùa bất ngờ rút từ trong vạt áo ra một cuốn truyện tranh khoe tôi. Đi với nó cả buổi, tôi không phát hiện nó giắt theo cuốn truyện trong người.
Nhìn lướt qua cái bìa, tôi đã nhận ra đó là cuốn Asterix và lưỡi hái vàng trong xêri truyện về Asterix. Ở Sài Gòn, tôi đã đọc gần hết bộ truyện này qua bản dịch.
- Em giắt cuốn truyện theo chi vậy? – Tôi tròn mắt nhìn nó.
- Em định đem vô rừng đọc.
Con Rùa thản nhiên đáp, như thể nó vẫn hay vô rừng để đọc sách. Mà sự thực đúng là như thế. Khi tôi hỏi “Em thích vô rừng ngồi đọc sách lắm sao?” thì nó xác nhận câu hỏi trêu của tôi bằng một cái gật đầu không nghĩ ngợi.
Trong khi tôi bắt đầu nghĩ thần kinh con Rùa chắc không được bình thường thì nó hồn nhiên nói tiếp:
- Ở trong rừng, em không đọc sách một mình đâu. Em đọc cho con Tập Tễnh nghe nữa.
Bây giờ thì tôi đã quen với cách con Rùa đặt tên cho đám bạn của nó. Tôi gật gù ra vẻ hiểu biết:
- Tập Tễnh chắc là con khỉ vẫn hay chạy ra đây chơi với em?
Không ngờ tôi hố to. Con Rùa cười:
- Tập Tễnh là một con nai con.
Tôi không biết một con nai có thể nghe chuyện được không nhưng tôi nhớ hồi sáng con Rùa từng nói chuyện với con Cổ Dài và con ngỗng hung hăng đó đã lập tức bỏ đi khi nghe con Rùa xác nhận tôi không phải là kẻ trộm.
Để lảng tránh đề tài mù mờ này, tôi cầm lấy cuốn truyện tranh trên tay con Rùa và nhìn nó bằng cặp mắt nheo nheo:
- Em đọc hết cuốn truyện này chưa?
- Chưa. Anh đọc cho em nghe đi!
- Sao em không tự đọc? Tự mình đọc bao giờ cũng thích hơn em à.
- Em không biết tiếng Pháp.
Ánh mắt tôi lập tức rớt xuống cuốn truyện trên tay. Bây giờ tôi mới để ý các dòng chữ ngoài bìa. Toàn tiếng Pháp. Lật vào bên trong cũng vậy.
Tôi cười, nửa đùa nửa thật:
- Anh cũng đâu có biết thứ tiếng này.
- Anh là sinh viên mà.
Tôi là sinh viên nhưng tôi không giỏi tiếng Pháp. Tôi biết tôi không đủ sức đọc hết cuốn truyện này, nhưng do tôi gần như thuộc lòng bản tiếng Việt nên giờ đây tôi giả vờ đọc rồi kể lại cho con Rùa nghe là chuyện chẳng có gì khó.
Tôi mân mê cuốn sách:
- Làm sao em có cuốn sách này?
- Người ta cho ông ngoại em. Lúc em còn bé, ông em đọc rồi kể cho em nghe. Mỗi ngày ông kể một đoạn. Nhưng chưa kịp kể xong cuốn sách thì ông em mất.
Tôi không ngờ ông ngoại của con Rùa giỏi giang như vậy. Ông ngoại nó mất rồi, nó đang đi tìm một người giỏi ngang ông ngoại nó để đọc và kể cho nó nghe phần sau của cuốn truyện. Bây giờ thì tôi đã biết tại sao hai hôm nay nó nấp ngoài hè để rình tôi. Có lẽ nó biết tôi là sinh viên, lại thấy tôi ham đọc sách, nó tin tôi có thể giúp nó được.
Nhưng hôm đó không phải là ngày may mắn của con Rùa. Tôi đang lật cuốn truyện, định hỏi ông nó đã kể cho nó nghe tới chỗ nào thì tiếng thằng Thục đã vọng tới lồng lộng:
- Anh Đông ơi anh Đông!
Tôi chưa kịp lên tiếng, Thục đã tru tréo tiếp:
- Anh Đông ơi, anh đang ở đâu vậy?
- Tao ở đây nè!
Lúc đó tôi và con Rùa đang đứng cạnh hòn non bộ. Trời chưa tối hẳn nhưng mặt trời đã nấp sau những vạt sương mù khiến hai ông tiên đánh cờ trông như người ngủ gục. Trên chiếc bàn đá ẩm ướt, những hòn sỏi chắc chắn đã ngủ say, như đã ngủ như thế từ rất lâu rồi. Bầy cá vàng uể oải vẫy những chiếc vây dài dưới đám tai bèo, có vẻ cũng sắp sửa chui vào các kẽ đá để nằm mơ những giấc mơ về lũ loăng quăng.
Thằng Thục nhô đầu sau hàng giậu thưa:
- Anh đang làm gì đó?
- Tao đang ngắm hòn non bộ. Mày đi đâu đây?
- Mẹ em bảo em đi kiếm anh về ăn cơm.
- Mày về nói với mẹ tao ăn ở nhà cô Út Huệ. Tối tao ngủ trên này luôn.
Thằng Thục bứt một nhánh tơ hồng leo trên bờ giậu, vẻ không bằng lòng. Nó khẽ đánh mắt về phía con Rùa nhưng khi nói với tôi nó làm như không có con Rùa ở đó, hoặc cũng có thể nó nghĩ con Rùa là một gốc cây không có khả năng hiểu những gì nó nói:
- Trên xóm này có gì hay đâu mà anh ở lại.
Tôi chưa kịp trả lời, cũng chưa biết phải trả lời như thế nào, thằng Thục đã vạch hàng rào đi về phía tôi, miệng tiếp tục bô bô:
- Ở đây toàn những đứa chán phèo à.
Lần này thì con Rùa không làm thinh nữa. Nó hất mặt về phía thằng em tôi:
- Mày muốn đánh nhau hả Thục?
- Tao không đánh nhau với con gái.
Thục bĩu môi về phía con Rùa và nó nắm lấy tay tôi:
- Về thôi, anh!
Tôi quay nhìn con Rùa, đưa cuốn truyện tranh cho nó và mỉm cười:
- Em cất đi! Ngày mai anh sẽ đọc cho em nghe.
Tôi theo chân thằng Thục quay về nhà cô Út Huệ, lòng hoàn toàn để ngỏ cho sự áy náy tràn vào. Vẻ mặt ngẩn ngơ của con Rùa khi tôi chuẩn bị quay gót khiến tôi muốn ngoảnh lại cười với nó một cái nữa nhưng thằng Thục lôi tôi đi nhanh quá.
12
Vừa bước qua ngưỡng cửa, Thục đã hạch sách tôi ngay, theo cái kiểu cha mẹ vẫn rầy con cái chơi với bạn xấu:
- Sao anh lại chơi với con Rùa?
Đang bực mình, tôi hừ mũi hỏi lại:
- Sao tao lại không thể chơi với con Rùa?
- Vì tụi em không đứa nào chơi với nó.
Lý do của thằng Thục nghe rất chướng tai. Nhưng tôi không cãi, chỉ nói:
- Tao thấy bé Loan rất mến con Rùa.
- Chỉ mấy đứa con gái ngốc nghếch mới đánh bạn với nó thôi.
- Chị Rùa không thèm chơi với tụi anh thì có!
Tiếng bé Loan thình lình cất lên đằng sau lưng tôi, và tôi phải thú nhận là tôi hết sức khoái trá khi thấy gương mặt thằng Thục đột ngột méo đi.
- Mày… mày…
Thục ấp a ấp úng, trông nó như người vừa nuốt phải lưỡi.
Bé Loan bước lại chỗ Thục, thò tay véo thằng này một cái:
- Nói xấu chị Rùa nè!
Thằng Thục có vẻ rất ngán bé Loan, dù nó lớn hơn con bé đến bốn tuổi. Con bé này véo nó chắc là đau lắm nhưng Thục chỉ biết ôm cánh tay xuýt xoa.
Bữa đó, tôi chở thằng Thục về tới đầu cầu treo. Khi leo xuống khỏi yên và giao xe lại cho nó, tôi cười nói:
- Tao biết mày thù con Rùa chuyện nó giành nắp keng với mày nè.
- Tụi em không chơi với nó vì nó là một đứa… một đứa…
- Một đứa gì?
- Một đứa…. – Thục nhíu mày, nó lục lọi vốn từ trông vất vả như đang tìm một đồng xu đánh rơi trong bể cá – Nói chung nó là một đứa… một đứa không bình thường.
- Tao vẫn chưa hiểu một đứa không bình thường là một đứa như thế nào! – Tôi liếm môi, vẫn nhìn chằm chằm vào mặt Thục.
- Là nó không giống như tụi em. Nó không giống bất cứ ai ở trong làng.
Tôi nhún vai:
- Ai bảo mày vậy?
- Ông Hai Sắn bảo. Ổng bảo ông thường bắt gặp nó trò chuyện hàng giờ với các con vật.
Tôi vỗ vai Thục:
- Tao đã tận mắt thấy con Rùa nói chuyện với con ngỗng nhà nó.
- Đó! Anh thấy chưa? – Thục reo lên, giọng đắc thắng như thể điều tra viên vừa tóm được chứng cứ của tội phạm – Em đâu có bịa chuyện.
- Nhưng tao thấy chẳng có gì là không bình thường cả. Hôm nào mày thử nói chuyện với con ngỗng xem, biết đâu nó hiểu được tiếng mày. – Tôi đáp, giọng bỡn cợt. Bằng thái độ đó tôi muốn thằng Thục biết là tôi không đứng về phía nó.
Tôi cố ý bông đùa, nào ngờ Thục gật đầu:
- Em thử rồi.
- Mày thử rồi? – Tôi dựng mắt lên – Mày đã nói chuyện với con ngỗng nhà Rùa rồi hả?
- Dạ.
Thằng Thục làm tôi tò mò quá thể:
- Kết quả sao?
- Kết quả là nó rượt em và mổ vào mông em một phát bầm tím đến mấy ngày.
- Ha ha ha…
Tôi không muốn chế giễu thằng Thục nhưng tiếng cười vẫn cứ phát ra.
- Anh đừng cười nhạo em. – Thục sa sầm mặt – Em nói thật đó. Anh không nên chơi với con Rùa.
- Tao cứ chơi.
- Ông Hai Sắn còn bảo cứ vài ngày con Rùa lại vào rừng để làm chuyện mờ ám gì đó. Ông Bốn Lai cũng bảo thế.
- Chuyện mờ ám là chuyện gì?
Thục đột nhiên thấp giọng như sợ ai nghe lỏm:
- Có thể nó liên lạc với giặc cướp.
- Trong rừng có giặc cướp á?
Thục nhăn nhó, có vẻ không hài lòng về câu hỏi của tôi:
- Anh quên ba con Rùa chết là do rượt theo bọn cướp rồi sao. Sào huyệt của bọn chúng ở trong rừng chứ đâu....