Buổi tối nay, khi ngắm những tấm hình trôi trên destop, Giang nhận ra mình đang rất, rất nhớ Văn. Nụ cười tươi rói của cô khi đứng trên cột cờ Lũng Cú Hà Giang, vẻ “ham ăn” của cô khi cầm cả mấy que thịt xiên giữa chợ đêm Đà Lạt, dáng ngồi cưỡi voi ngổ ngáo ở Tây Nguyên và cuối cùng là dáng vẻ mơ mộng của cô khi ngồi trên ghềnh đá Mũi Đôi, chậm rãi xoay len để chụp ánh trăng mờ ảo… khiến Giang không thể rời mắt. Phân vân một lúc, cuối cùng anh quyết định gọi cho số máy từ bao lâu rồi anh không gọi. Khi giọng nói dịu dàng có chút reo vui từ đầu dây bên kia vang lên, Giang nói rất nhẹ nhàng.
“Chị Vy, là em!”
Nhờ Vy, Giang có được nhữn thông tin về Văn, nhưng bất ngờ hơn cả, anh còn nghe Vy trách móc mình là đồ ngốc, đến tận bây giờ mới thèm gọi. Và rằng, cô nàng Văn nào đó đã ấm ức bảo nếu mà “anh ta” hỏi thì chị cũng đừng có nói, cô không thèm nữa…
Vy nhại giọng của Văn, bật cười thành tiếng. Giang bỗng nhiên thấy mặt mình nóng lên. Anh nhận ra, Văn đã dùng một phép thử. Nếu như anh quan tâm đến cô, muốn gặp lại cô, thì nhất định chỉ có cách tìm đến Vy. Mà nếu anh tìm đến Vy, để hỏi về một người khác, cũng có nghĩa anh đã bước qua những rào cản tâm lý về một mối tình xưa cũ.
Nhưng Giang cũng thầm cảm kích phép thử ấy của Văn, vì bỗng dưng nó khiến anh soi rõ hơn lòng mình. Ở dầu dây bên kia, Vy vẫn ríu rít bảo rằng, từ đợt Giang và Văn đi Hà Giang, cô đã linh cảm hai người nhất định sẽ “nên chuyện”. Ngày anh Hải còn sống, anh cũng từng định ghép đôi hai đứa với nhau, từng có ý nhờ Văn chưa hộ bệnh “sợ con gái” của Giang. Nghe cụm từ “ngày anh Hải còn sống”, Giang thở phào nhận ra, Vy đã hoàn toàn chấp nhận nỗi đau, và biến nó thành quá khứ… Cả anh, khi nghe giọng nói của Vy, Giang cũng nhận ra, mình chấp nhận một cách thanh thản, Vy là một phần ngày xưa của anh, không bao giờ thay đổi…
Giang cúp máy, nhìn địa chỉ của Văn được ghi vội trên mảnh giấy nhỏ. Anh nghĩ ngợi, rồi dắt xe ra khỏi nhà. Ngày công tác gần kề khiến anh không muốn mình phải chờ đợi vài tháng nữa để gặp cô. Phố đêm, mùa thu Hà Nội ngan ngát mùi thơm hoa sữa. Hít thật căng lồng ngực, Giang kéo ga, vút đi trên phố.
9. Hôm ấy, rất rất khuya, ở một con ngõ nhỏ, có một gã thanh niên hai mươi ba tuổi, bàn tay đã không còn “trinh” nữa, bởi vì, gã khăng khăng cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn mềm mại của cô sinh viên năm thứ ba trường Ngoại Ngữ mắt đang đỏ hỏe giận dỗi, mặc kệ cô vùng vẫy thế nào cũng không buông ay.
Không bao giờ buông nữa.
Cũng từ hôm ấy, trên em Min-khờ quen thuộc, có một cặp đôi quấn quýt không rời vẫn thường phiêu du trên những cung đường của gió…
3 - Mắt híp và môi cuốn lô
Tặng thành phố yêu thương mãi mãi của tôi
Bạn bè & một thời ngốc dại
Năm 1998
1. Đó là một buổi trưa mùa xuân, hơi hửng nắng. Con đường Cầu Cất có những búp bàng xanh non xòe rộng. Đạp chiếc mini Nhật bãi màu trắng, từng vòng xe đủng đỉnh, khăn quấn trên cổ bay nhẹ nhẹ, cô tự thấy mình như một thiếu nữ trong trắng nào đó trong những truyện của Quỳnh Dao mà cô vẫn len lén thuê đọc, mất những ba trăm đồng một ngày. Cả con đường to rộng là thế, mà chỉ có một mình cô đạp rất nhàn nhã. Nhưng trạng thái “một mình” và “nhàn nhã” đó nhanh chóng bị vỡ tan. Từ sau cô, một chiếc xe cuốc phóng vù lên, sải chân dài cuồng chân đạp, khiến chiếc xe đảo bánh lằn ngoằn vượt ào lên đằng trước. Cậu trai cả người sũng nước, tóc như quả chôm chôm dựng ngược lên, trên chiếc áo cầu thủ số 7 có chữ to tướng : David Phương Híp.
Cô hinh hích cười lên một tiếng. Chắc là tên này hâm mộ Beckham, và chắc nữa là cậu ta Híp. Hihi, không biết có híp thật không nhỉ? Cô phải chạy lên xem mới được.
Thế là, hình mẫu cô thiếu nữ trong trắng bay vèo đi mất. Cô cong mông đạp xe hùng hục, cuồng cả cẳng mới đuổi theo được cậu trai kia. Khi xe vừa vụt lên một cái, cô quay phắt sang nhìn.
Kẻ bị nhìn ngớ ra, trợn mắt nhìn cô rất kinh ngạc. Còn cô thì toét miệng ra cười. Đúng là Híp. Vô cùng híp. Hihi. Ngay cả cái sự kinh ngạc kia cũng không làm cho cậu ta đỡ híp đi chút nào.
Cô hí hí vài tiếng, rồi thản nhiên quay đi, thản nhiên chạy chậm lại. Đã qua cơn tò mò, cô lại trở về bộ dạng đủng đỉnh lúc trước. Nhưng cậu Phương Híp đó vẻ như bị nụ cười của cô làm cho cáu bẳn, cậu ta ngoái lại nhìn cô một cái, rồi phanh khựng xe chỉ trong nháy mắt, chặn ngang đầu cô lại. Đôi mắt vẫn híp tịt như thế, sừng sộ.
“Cười cái gì hả? Con gái gì môi cong tớn như cuốn lô thế kia???”
Á… Cô quên mất, lúc sực nhớ ra lấy tay che miệng thì đã muộn!
2. Lần thứ 2 gặp nhau là một tháng sau đó. Ấy là một sớm tinh mơ, cô đi thi học sinh giỏi môn Văn lớp chín. Địa điểm thi là trường Ngô Gia Tự. Từng theo học một năm ở đây nên rất thông thạo chốn này. Đúng lời dặn của thầy chủ nhiệm, cô đến rất sớm, ăn sáng và xem lại bài vở mãi mà vẫn còn ba mươi phút nữa mới đến giờ tập trung. Cô thẩn thơ dạo quanh rồi đi vào ngôi chùa gần đó. Cửa chùa để mở, sâu phía trong cô thấy một cây hoàng lan tỏa bóng. Cô bước vào, thấy một sư cô đang quét sân. Sư cô nhìn cô cười rất dịu dàng, cô mới có can đảm tiến thêm một bước.
“Con vào đây có được không ạ?”
Sư cô gật đầu. Cô lững thững đi trong chùa, nhặt những cánh hoa hoàng lan đã rơi rụng, mùi thơm tinh khiết khiến cô bỗng thấy tâm hồn vô cùng dịu nhẹ. Đến trước tượng Phật Bà Quan Âm, cô lầm rầm cầu nguyện mình thi tốt, đoạt giải cao, cầu mong học bổng sẽ tăng thêm một bậc. Nói được tâm nguyện mình xong, cô rất vui, rất dễ chịu, môi nhướn lên cười một cái.
“Ê, Môi cuốn lô. Làm gì ở đây?”
Cô giật mình mở mắt, quay phắt ra nhìn. Cậu trai mắt híp đang nhìn cô vẻ kinh ngạc. Cô nói một cách cáu kỉnh và bối rối.
“Đồ híp kia, tên tớ không phải Môi cuốn lô”
“Anh đây cũng không phải là Híp!”
Cô xí một cái. Đúng lúc đó, một người phụ nữ đi ra, kéo tai cậu ta, khiến cậu ta kêu oai oái.
“Ái, Ái! Mẹ làm gì thế?”
“Vào đây ngay. Sư thầy đang đợi”.
Thấy cậu ta bị mẹ đày ải, cô còn giơ tay vẫy vẫy cậu ta, cảm thấy thật đáng đời. Cúi nhìn đồng hồ điện tử, cũng sắp đến giờ thi, cô vội vàng lén lút hái thêm bông hoàng lan vừa nở trên cây cho vào túi. Đang định chạy về trường, bất chợt cô nghe thấy tiếng hét của cậu Híp kia, rất đỗi thảm thiết. Cậu ta kêu lên ầm ĩ, “Tại sao thanh niên trai tráng như con lại bị bán vào chùa???”
Còn cô cũng kinh ngạc không kém. Ôi, không phải cậu ta sẽ thành một anh tiểu híp đấy chứ???
3. Kì thi đó cô được giải cao. Thật ra, ngay khi đọc đề là cô biết mình nắm chắc số điểm không tồi rồi. Cô vốn rất thành thao trong việc tự nhìn đề đoán điểm. Bao nhiêu năm bị huấn luyện thành gà chọi, cô đã quen với việc thi cử, và tự chấm điểm cho mình. Nhưng, cô cũng biết nói trước bước không qua, vả lại, môn Văn của cô còn cần một yếu tố may mắn là hợp giọng với người chấm nữa, cho nên thi xong, ai hỏi cô cũng chỉ ợm ờ bảo là bình thường.
Ngày báo điểm, cô đang ngồi đọc truyện Trái tim khép cửa của Quỳnh Dao, thì thầy giáo gọi điện đến nhà. Nghe xong, cô cúp điện thoại, mỉm cười sà vào lòng mẹ, nũng nịu bảo mẹ, “Con muốn ăn tiết canh vịt.” Mẹ mắng cho, bảo tự dưng đòi ăn là thế nào, giờ mua làm sao, nhà thì đang hết tiền. Cô mỉm cười, ngẩng lên thông báo mình được giải nhất tỉnh. Hằng năm, giải nhất chắc là được ba trăm nghìn, rất là to đấy. Mẹ cô kinh ngạc, bố cô nghe thế cũng lao ra từ nhà bếp, kéo cô kẹp chặt vào nách, lắc rất là sung sướng. Bố bảo, “Thôi được rồi, chúng ta đi nhà hàng nào”.
“Nhà hàng” bố bảo, đó là một quán vịt mới mở, khang trang sạch sẽ. Bữa ăn rất ngon lành phấn khởi. Cô được ăn liền 3 bát tiết canh, bụng căng thành cái trống. Đến lúc ra thanh toán tiền, người phụ nữ nhận tiền, cô thấy quen quen. Nhưng chưa kịp nhớ ra là ai, mẹ cô đã vui mừng rối rít. Hóa ra, đó là bạn cấp ba của mẹ. Hai người ríu ran một hồi, người phụ nữ ấy còn cương quyết mời nhà cô ở lại uống nước.
Sau màn hỏi han tình hình, là đến màn khoe con cái. Mẹ cô đang sung sướng ngời ngời, lôi hết thành tích của con gái ra mà khoe. Người bạn cũ kia mặt lại thiểu não trông thấy, bảo có thằng con nghịch rách giời, nghịch chưa từng thấy, không chịu học hành, đến mức đợt rồi phải bán vào chùa!
Ối, bán vào chùa. Cô đã nhớ ra người phụ nữ này là ai!!!
Như để bổ trợ cho suy nghĩ của cô, cậu thanh niên mắt híp bị mẹ lôi cổ ra, mặt mũi sưng sỉa chào hỏi khách.
“Nó là thằng Phương đấy”
“Ái chà, là thằng Híp đấy đúng không! Híp, ngày xưa con đi mẫu giáo với con Lô đấy, có nhớ không?
Cái gì? Lại còn từ thời mẫu giáo. Hai đứa con bị gọi bằng nhũ danh, đồng loạt xị mặt ra nhìn nhau. Cô ấm ức.
“Con không phải tên là Lô”
Mẹ cô vỗ đầu cô. “Ừ quên, không phải Lô. Nó tên là Linh. Nhưng Linh làm sao hay bằng Lô cơ chứ!!!...