Hai lăm thấy kỳ cục, lúc chạy xe ra ngoài đường lại ngáp dài ngáp vắn, về đến nhà y rằng mắt mở thao láo. Chưa kịp thay bộ quần áo ra đã mở facebook, xem có ai khen tấm hình ban sáng chụp là đẹp không. Rồi lại phì cười khi thấy status người ta post cái gì liên quan đến nhớ nhung, chờ đợi. “Chắc nói về mình.”
Có lần, người ngỏ ý muốn sánh bước trong những ngày hai lăm buồn tẻ. Muốn mở cửa tim cho người ta bước vào. Nhưng khi người ta hỏi, “Tim còn đủ chỗ chứa thêm một người không?”, mới giật mình thấy hóa ra đã vun đầy. Tim còn nặng nề nhiều thứ quá, có những vết thương giờ chẳng hiểu vì sao bị thương, nhưng cái sẹo mờ vẫn hiển hiện khi liếc mắt nhìn qua nó. Thế là, người ta lại bỏ đi, chẳng thể nào tìm được đường vào tim lần nữa.
Hai lăm sợ cái gì đến nhanh, vì biết lúc đi cũng chẳng chậm. Vu vơ lắm.
Khuya hai lăm nằm coi phim bộ, tới mấy cảnh nam nữ yêu nhau, quơ quơ cái điều khiển cho nhanh qua. Thấy nhạt, yêu đương cũng quẩn quanh nhiêu đó, yêu, rồi chia tay, rồi lại yêu. Chạy hoài không khỏi.
Tới đoạn bà mẹ khóc tiễn con trên đoạn đường cuối. “Không thể được, sáng nay nó vẫn còn đang mỉm cười cùng tôi mà…”
Mắt lại đỏ hoe. Hai lăm, sợ cái gì liên quan đến sinh ly tử biệt của những người thân trong gia đình, vì chính bản thân đã kinh qua những lần ly biệt đó.
Hai lăm thích uống rượu vang, đã biết cảm nhận cái đắng chát của thời gian gìn giữ.
Và như thế, hai lăm chìm vào những cơn mộng sớm mai. Ngày mai ấy, mặt trời sẽ mọc, người ta sẽ thở, chó sẽ vẫn sủa và heo vẫn ăn nhiều. Hai lăm lại sống, lại cười nốt những ngày hai lăm nắng chao nghiêng tìm bến đậu.
Hai lăm, chưa phải ba mươi để chín chắn, già nua, nhưng cũng không còn hai mươi để trẻ trung, vô tư lự.
Vì vậy mà những ngày hai lăm, lòng thường chênh vênh lắm.
Taxi lạc lõng
Có những chuyến đi xa, mải miết suốt những chặng đường ngược nắng, ngược gió. Rong ruổi cùng tháng, cùng năm, cùng lòng người trắc trở lo toan. Mỗi chuyến đi như vậy, lại về nhà bằng chiếc xe khách chen chúc người và người.
Đã từng nghĩ, chuyến xe khách sẽ cho mình nhiều cảm giác yêu thương, bởi, nó là thứ vận chuyển đứa con về với gia đình, chồng về với vợ, mẹ về với con, người ta yêu được về với nhau, hay đơn giản, chỉ là về với căn phòng trống vắng hơi chủ dăm ba ngày.
Nhưng rồi chợt phát hiện ra cảm xúc mãnh liệt nhất mình nhận được, lại là lúc ngồi trên chiếc taxi vắng lặng từ bến xe hay sân bay về nhà, nơi bản thân im lặng nhìn đường, còn người xa lạ ngồi trên vẫn đang mải mê mưu sinh.
Vì chí ít, khi ngồi trên máy bay hay xe khách, chung quanh ta vẫn là nhiều hơn hai người, đến khi vào lòng taxi, chỉ mỗi mình ta với một người tài xế hoàn toàn xa lạ.
Đã có những ngày buồn và mệt mỏi, thay vì ngồi tù túng trong bốn góc tường ở căn phòng kín, hay thu lu tại quán café nghe những bài hát não tình, lại đứng bên vệ đường, đưa tay ngoắc một chiếc taxi, và cứ thế mà đi. Người ta hỏi muốn đi đâu. Chỉ bảo cứ đi. Đi, đâu cần phải đến, đơn giản chỉ là đi, đi khỏi cái nơi đang hiện hữu, đi khỏi những cảm giác trĩu nặng đang mang.
Cảm giác được bảo vệ trong bốn miếng sắt vuông vức, di chuyển chung quanh hàng trăm ngàn con người ngoài kia, an toàn lắm. Tấm kính của taxi cho phép nhìn những biểu cảm trên gương mặt người ta, mà không lo lắng bản thân để lộ cảm xúc. Thậm chí, có lần bắt taxi đi trong những giờ Sài Gòn cao điểm nhất, rồi ngầm nhìn ngắm người ta phản ứng ra sao trong mớ người chen chúc ngoài kia.
Có người bình thản, như thể họ biết có về nhà sớm một phút hay muộn ba mươi sáu phút cũng không khác nhau là mấy. Cũng chỉ đón họ là căn phòng cô đơn.
Có người mặt quạu cọ, người ta nhổm người coi đoàn xe diễu hành mà mình buộc phải tham dự còn kéo dài bao xa. Gấp rút như thể phải mang tim đi cấp cứu.
Có người lầm bầm gì đó mà đọc khẩu hình thì biết là một tiếng chửi thề, mô tả trần tục nhất bộ phận sinh dục đàn ông. Chắc chửi xong, con đường bỗng dưng rộng thêm vài chục mét.
Có người khe khẽ đưa tay nắm nhẹ bàn tay đặt sau lưng mình, mãn nguyện. Như đang cảm ơn đoạn đường lắm trắc trở khiến thời gian tình tứ bên nhau kéo dài được dăm bảy phút.
Có người ngồi trong taxi, nhìn những thứ ấy rồi loay hoay, chẳng biết nên chọn cho mình cảm xúc nào để dán lên gương mặt.
Ở cái khoảng không kín đáo bên trong taxi, thèm được nghe người ta hỏi: “Em có sao không?”. Nhưng ngồi cùng chỉ là một người đàn ông xa lạ đang thực hiện công việc nhàm chán, chở một người chẳng biết đi đâu. Ấy vậy mà người đàn ông đó cũng chẳng buồn nhấn còi. Đi không có đến, thì có gì để vội?
Lần cuối cùng anh ở Sài Gòn, khẽ nắm tay anh nói, “Em tặng anh một món quà, nhưng phải làm theo chỉ dẫn.” Anh gật đầu, cười hiền, “Ngày cuối cùng ở lại, là của em.”
Anh lên taxi ngồi, đóng cửa xe cho anh, dặn người tài xế cách đi vòng quanh những con đường vắng vẻ nhất của Sài Gòn. Lại vòng qua đưa anh cái máy nghe nhạc nhỏ xíu, bảo khi nào xe chạy, hãy bật lên nghe. Anh gật đầu rồi khuất dần vào dĩ vãng, vào ký ức ngủ quên.
Có người đỏ mắt nhìn theo.
Có người đỏ tim chờ.
“Những ngày bên nhau, Sài Gòn chật chội không chứa nổi hai trái tim yêu quá lớn. Ta cứ ngược nắng, gió, ngược luôn cả đời để yêu nhau. Giờ anh đi, Sài Gòn sẽ vẫn chật chội cho một nỗi nhớ quá lớn.”
Vắng anh, chỉ còn em cùng taxi lạc lõng. Vòng quanh mong nhìn lại bóng hình anh. Nhưng chơi vơi lắm một nỗi thất vọng trào dâng. Anh đâu giữa dòng đời vạn lối? Em đâu giữa muôn nẻo lòng người?
Những ngày nhớ, em sẽ ngồi một mình trong taxi lạc lõng. Sẽ đi lại những con đường cũ, để thấy em ngày hôm nay ra sao khi không còn anh.
Ở nơi nào xa xôi lắm, chắc anh sẽ đi taxi, và khi đó, hãy nhớ rằng ngày ấy ở Sài Gòn, đã có chuyến taxi đưa anh đi đến những miền yêu xa…”
Và vậy là anh đi.
Và vậy là chờ.
Những tháng ngày vắng lặng rơi xuống cùng từng tờ lịch xé vội. Tin nhắn, những cú điện thoại đường dài cũng lặn mất tăm giữa muôn vàn lo toan cuộc sống.
Lời hứa ngày xưa, nhắc lại chỉ để người ta thêm buồn cười vì một thời trẻ mình đã yêu hết mình. Chợt nhận ra sau mối tình đầu, đã chẳng thể nào toàn tâm toàn ý yêu thương một người cho trọn vẹn.
Hôm nay ngồi trên taxi lạc lõng giữa trăm vạn người xung quanh, lòng lại thấy tĩnh lặng như mặt hồ thu.
Những chuyến taxi như vậy cứ lần lượt lướt qua ký ức, đến những con đường thênh thang. Lòng người cũng thênh thang.
Có lúc nhìn ngắm bên vệ đường, mảng cỏ xanh mới lần trước ghé qua nay người ta đã bứng đi đâu, trơ trọi nền xi măng cứng ngơ cứng ngắc.
Có lúc nhìn mảng tường cũ kỹ, nhớ lần trước ghé qua vẫn còn cằn cỗi, trơ trơ, nay đám dây leo rảnh rỗi nơi đâu kéo đến mọc chơi. Mát rượi lòng người.
Xe vẫn cứ chạy, và nhạc vẫn cứ vậy nền nã bên tai.
One way ticket to the blue.
Vé một chiều đến những niềm đau…
Nếu một lúc thấy bản thân chẳng còn được an toàn, bạn hãy thử đứng bên vệ đường ngoắc một chiếc taxi, đi vòng quanh những con đường Sài Gòn chật chội và nhìn người ta sống ra sao. Để thấy rằng, được ngồi giữa taxi lạc lõng, lại thấy lòng mình lặng biết bao nhiêu.
Có đoạn đời cô đơn cùng facebook
“Ở thế giới đó, người ta có trăm ngàn bạn bè, vài ngàn người theo dõi, thế nhưng thực chất vẫn là như đứa trẻ tự kỷ ngồi thu lu trong căn phòng tù túng, loay hoay hoài chẳng biết làm cách nào thoát khỏi sự cô đơn đến nghẹt thở.”
4 tháng hai năm 2004, Mark có lẽ không bao giờ nghĩ rằng mạng xã hội mình sáng lập ra lại có thể làm được nhiều việc và trở thành một cuộc cách mạng như vậy. Nhưng đồng thời, nó cũng làm cho người ta tranh cãi, buồn, vui, đau khổ nhiều như vậy.
Chẳng ai phủ nhận, thực sự facebook kéo người ta chìm đắm trong thế giới ảo, nó như cơn nghiện dai dẳng chẳng thể nào tìm được cách cắt cơn.
Có người cáu bẳn lên, rồi post lên một cái status – lại trên facebook – rằng, họ sẽ từ bỏ nó, thế nhưng vài ngày sau, lại thấy người đó comment nhiệt tình ở những vấn đề vốn chẳng liên quan đến mình.
Như cái kiểu, “Bạn hãy thử cai nghiện facebook để tập trung học hành, làm việc đi. Tôi đã thử và thành công rất nhiều lần.”
Người ta mê mẩn facebook vì một lý do đơn giản, họ cần sự quan tâm, dẫu cho chỉ từ những người chưa quen biết, thông qua một cái nhấn like hay một dòng comment.
Thú nhận đi, nếu bạn đang sở hữu một cái facebook, dù bận rộn thế nào, bạn cũng muốn dành chút thời gian để kiểm tra coi có ai like, comment trên status, hay hình của mình không.
Nếu có, bạn hí hửng trả lời, tự cười và thỏa mãn vì thấy rằng chí ít cũng có người đồng cảm với ta, hiểu những gì ta muốn nói, chia sẻ những nỗi buồn vu vơ.
Nếu không, ta chợt thấy cô đơn kinh khủng, nhưng sẽ vẫn ngồi đọc để coi thế giới xung quanh đang diễn ra chuyện gì, và ta sẽ comment, like cho người khác, để hi vọng họ đối đáp tương tự.
Hay đơn giản, người ta muốn bật facebook lên để thấy câu: “Bạn đang nghĩ gì?” và thầm cảm ơn Mark đã luôn quan tâm ta.
Vì vậy, càng cô đơn người ta càng điên cuồng facebook. Được quan tâm, luôn là nhu cầu cơ bản nhất về mặt cảm xúc mà con người cần....