Ba trọc
Một người đi chợ, mua được con lợn. Dọc đường về, trời nắng, đang định vào quán bên đường uống nước thì gặp một chú lính lệ. Chú lính lệ hỏi:
- Anh kia, con lợn giá bao nhiêu?
Anh ta thấy thầy quyền cũng chú ý đến mình và con lợn, liền lễ phép trả lời:
- Dạ, hơn quan đấy ạ.
Tên lính liền cho anh ta một bạt tai, rồi mắng:
- Mày láo! Dám nói lợn hơn quan à?
- Dạ, tôi lỡ lời!
Anh van lạy mãi, chú lính mới tha cho. Đi một đoạn lại gặp chú khách. Chú khách lại hỏi giá con lợn. Đang ấm ức trong lòng, anh ta liền bảo:
- Mới bị một vố trắng răng ra rồi, tôi không nói.
Cho là anh ta hỗn xược, chú khách đánh cho một gậy bảo:
- Mày lại chế nhạo ta trắng răng à?
Anh ta bỏ chạy thục mạng, nghĩ rằng chơi với những chú khách thế này, chỉ có thiệt thân. Về gần đến đầu làng, anh ta gặp hai ông sư và một chú tiểu đang từ chùa đi ra. Chú tiểu hỏi giá lợn, anh ta càu nhàu:
- Trọc này là ba trọc (ba lượt) rồi, tôi không nói nữa.
Chú tiểu đỏ mặt, đấm anh ta, cho là anh ta nhạo sư. Nhưng anh ta cãi: “Chứ không ba trọc à?” rồi đi thẳng vào làng.
Mày để cho nó một chút
Xưa, có một anh học trò nghèo rất thông minh, thuê một căn nhà ở trọ trong phố. Đối diện với nhà anh là nhà một bà cụ chuyên nghề quay tơ, có một cô con gái út rất nết na thùy mị, chăm việc bếp núc.
Bà cụ thường đe bọn thanh niên hàng xóm: – Có già ở đây, bọn bây đừng hòng léng phéng đến con út.
Một ngày kia. Lúc bà cụ đang quay tơ, cô út nấu ăn dưới bếp, anh học trò cầm một cái chén nhỏ xíu sang nhà bà cụ: – Thưa bác, hôm nay cháu nấu ăn quên mua nước mắm, bác cho cháu xin một muỗng.
Thấy anh học trò ăn nói dễ thương nên bà cụ cũng dễ dãi: – Ừ con cứ xuống bếp nói con út đưa cho.
Anh học trò đi xuống bếp, giấu cái chén tỉnh bơ: – Cô út, bác nói cô cho tôi… nắm tay cô một chút.
Cô út sợ quá la toáng lên: – Má ơi! Anh này ảnh kêu…
- Thì mày để cho nó một chút. Có mất cái gì đâu!
Cô Út đành đứng im cho anh nắm tay. 3 bữa sau, anh học trò lại sang: – Thưa bác, cho con xin một củ hành nhỏ.
- Con cứ xuống bếp nói con Út đưa cho.
Anh ta lại xuống bếp: – Cô Út, bác nói cô cho tui hun cô một cái.
Cô Út la lớn: – Má ơi! Anh này ảnh đòi…
- Thì mày cứ để cho nó một chút…
Cô Út đành để cho anh ta hun. Cứ thế khi thì hạt tiêu, trái ớt, khi thì muỗng muối, hạt đường, cô Út cứ đành phải “cho một chút…”. Một thời gian sau, anh ta đã được ở… rể nhà bà cụ.
Điếc… cả làng
Hai ông bà điếc sanh đặng một đứa con gái cũng điếc, rầu mình vô phước, phần mình già cả chẳng nói làm gì, còn con mình tật nguyền điếc lác biết gởi cho ai để gởi thân cho nó nhờ? Mà nghĩ lại mình cũng lớn ruộng nhiều trâu thế cũng có khi có rể.
Vậy, thấy có một đứa con trai lịch sự cách xa vài làng, năng vô ra tới lui trong làng thì kêu nó mà gả, chẳng ngờ nó cũng điếc. Cưới hỏi xong xạ, nó về ở với cha mẹ vợ, cha biểu đứa con gái nói nó ra coi cày bừa đám ruộng ở bên lề đường. Nó nghe liền vác cày ra cày. Có ông quan đi ngang qua đó, mà là quan kinh mới nhậm đứng lại hỏi thăm nó đường đi vô dinh quan phủ. Nó chẳng lành thì chớ, điếc nghe không rõ, tưởng ông quở nó cày sao cày bậy ruộng ông chăng ; nên vọt miệng mắng: “Ruộng tôi tôi cày, sao ông nói ruộng của ông? Ông này ngang quá ghẹ đi cà!”.
Ông quan thấy nó dễ ngươi thì biểu quân rượt đánh nó. Nó đâm đầu chạy về nhà, vợ nó đang ngồi nấu cơm trong bếp, nó đạp cho 2 – 3 đạp chúi vào trong bếp: “Ruộng nào, ở đâu mà mày chỉ bậy cho tao cày làm người ta đánh tao cờ bơ cờ bất, cũng là tại mày lếu”.
Con vợ kia nói: “Dữ không? Đợi một phút chờ người ta nấu dọn cho mà ăn không được à, làm gì bất nhơn làm vậy?”.
Kế thấy mẹ nó đi chợ leng teng bưng rổ về; con gái ra méc, nói sao chồng độc dữ quá đạp nó làm vậy. Bả thấy bộ nó giận quạu quọ thì ngờ nó nói sao mình đi chợ 5 tiền mà… ăn bánh ăn hàng đi hết đó. May đâu ổng đi tát đìa quảy vịt về, bả liền chạy ra nói: “Tôi ăn bánh ăn hàng ở đâu mà con nó nói thêm nói thừa cho tôi!”.
Ông nghe không rõ, tưởng bả nói sao mình bắt cá cho ai, thì mới nói: “Nào tôi có bắt cá cho ai đâu, đặng con nào bỏ vịt con nấy đem về mà nói cho ai? Có chứng lão cày một đó. Bà ra hỏi lão mà coi!”.
Nắm tay bả dắt ra ngoài đồng lại hỏi lão cày: “Chớ lão thấy tôi bắt cá mà cho ai không?”.
Chẳng may lão cày cũng lảng tai, tưởng là nói lão có khuấy chơi lấy quần giấu đi chăng (thấy ông đóng khố thì hiểu làm vậy) cho nên mới nói: “Nào! Tôi sớm mai tới giờ cứ cày hoài tôi có qua chi bển mà biết quần ông để đâu mà giấu? Ông già khéo nghi bậy không!”.
Quan đấy
Năm nào cũng vậy, cứ gần tết Nguyên đán, viên tri phủ Hoàng Hóa cùng vợ đi chợ tết. Từ phủ ra chợ Bút Sơn rất gần, nhưng vốn tính hách dịch, quan phủ bắt lính cáng ra tận cổng chợ và mang theo hai cái lọng xanh che.
Hồi này, Xiển Bột hãy còn nhỏ, xong thấy cái oai rởm của quan thì ghét lắm. Xiển mang một con chó con đi chợ, nhưng không bán, cứ ôm ở trước bụng, lúc thì chen đi trước quan, lúc thì lùi lại đi sau quan. Thấy Xiển mang chó, ai cũng tưởng Xiển mới mua, liên hỏi:
- Chó bao nhiêu?
Xiển trả lời: – Quan đấy!
Quan phủ biết thằng bé ôm chó chửi xỏ mình, cho lính bắt lại hỏi:
- Ai xui mày ăn nói như thế?
Xiển đáp:
- Bẩm quan, nhà con muốn nuôi mọt con chó con để dọn cứt cho em, nên bố mẹ con bảo con đi mua.
Quan hỏi: – Mày là con cái nhà ai?
Xiển trả lời: – Bẩm con là chắt cụ Trạng Quỳnh ạ!
Quan nghe nói Xiển là chắt cụ Trạng Quỳnh thì có ý gờm, nhưng chưa tin lắm.
- Ðã là chắt cụ Trạng tất phải hay chữ. Thế mày có đi học không?
Xiển đáp: – Bẩm quan, con là học trò giỏi nhất vùng này ạ, quan lớn không đi học nên không biết đó thôi.
Thấy Xiển vẫn tìm cách xỏ mình, quan nổi giận:
- Mày vô lễ! Nhưng đã nhận là học trò giỏi thì phải đối câu này. Hay tao tha tội. Dở tao đánh đòn.
Quan đọc: “Roi thất phân đánh đít mẹ học trò”.
Xiển hỏi:
- Xin phép hỏi: “Roi” đối với “lọng” có được không ạ?
Quan đáp: – Ðược.
Xiển lại hỏi:
- Thế “đít” đối với “đầu”, “mẹ” đối với “cha” có được không ạ?
Quan lại đáp: – Ðược!
Xiển toan hỏi nữa. Quan Quát: – Không được hỏi nữa. Ðối đi!
Xiển liền đối: “Lọng bát bông che đầu cha quan lớn!”
Không ngờ Xiển lại dám chửi mình một lần nữa, để chữa thẹn, quan lấy giọng bề trên mắng Xiển qua loa một vài câu, rồi quát bảo lính hầu sửa soạn ra về.
Chửi Án Tiêu
Bị chơi nhiều vố đau quá, quan huyện dò mãi mới biết là Xiển, tức quá, nhưng có muốn gây chuyện cũng không được vì ông là người khác huyện. Lão huyện bèn đem chuyện ấy nói lại với Án Tiêu và tỏ ý nhờ quan thầy trả thù hộ.
Lần ấy, Án Tiêu về quê ngoại là làng Yên Lược ăn giỗ. Lão bắt dân làng phải dọn dẹp đường sá sạch sẽ, mang cờ quạt đón rước thật long trọng. Sáng sơm mai, Án Tiêu mới về thì chiều nay đường làng đã được quét sạch như chùi, cây cối hai bên đường phát quang cả.
Gà gáy, Xiển dậy lấy cứt chó đem ra đường cái, cứ cách một quãng bỏ một bãi, bãi nào cũng cắm một quả ớt lớn (Thanh Hoá gọi ớt là hạt tiêu). Sáng ra, khi mọi người kính cẩn đón rước án Tiêu, Xiển vác cờ đi trước, cứ hễ trông thấy bãi cứt có cắm quả hạt tiêu, ông lại chửi: “Tổ cha đứa nào ỉa ra tiêu”. Án Tiêu nằm trong cáng nghe tiếng chửi, biết là Xiển chửi mình nhưng không đủ lý do để bắt bẻ, đành gọi bọn lý hương lại, quở trách không chịu đôn đốc dân phu quét dọn đường sá cho sạch và bảo chúng truyền lệnh rằng: “Quan huyện trong người khó ở, mọi người không được to tiếng, ồn ào!”
Sĩ diện
Một người nghèo nọ thường hay che đậy giấu giếm cảnh khổ. Lần kia gặp bạn, bạn mời đi ăn cơm. Ông ta ưỡn bụng từ chối: “Tớ vừa xơi thịt chó xong không nuốt nổi cơm đâu. Có điều uống vài cốc rượu thì được.”
Vài cốc rượu xuống bụng xong anh ta say quá nên ọc hết đống thịt chó ban nãy ăn ở nhà ra.
Hôm sau, bạn hỏi ông ta: “Anh bảo là ăn thịt chó sao hôm qua lại ói ra cám. Thế nghĩa là sao?”
Người đó ngẫm nghĩ rồi chép miệng: “Có lẽ con chó đó ăn cám mà tớ không biết.”
Tam đại con gà
Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời “Xấu hay làm tốt, dốt hay chơi chữ”, đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt.
Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy trẻ. Một hôm, dạy sách Tam thiên tự, sau chữ “tước” là chim sẻ, đến chữ “kê” là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: “Dủ dỉ là con dù dì”. Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ, tuy vậy, trong lòng thầy vẫn thấp thỏm.
...