Bạn là người vươn ra tìm tay ta và chạm đến trái tim ta. Bạn chính là cảm giác vĩnh hằng ở trong tim.
- Khuyết danh -
***
Chúng tôi gặp nhau lần đầu vào một ngày hè của năm 1998, một ngày hè nắng mới còn giòn tan trên các nếp nhà, trời trong xanh và bồng bềnh mây trắng, gió vi vu hát giữa những vòm cây. Hôm đó tôi và anh trai tôi đều tham dự buổi lễ gặp mặt động viên của ban lãnh đạo huyện với các bạn đỗ đại học, cao đẳng, đạt giải học sinh giỏi tỉnh. Khi buổi mít tinh kết thúc, tôi về cơ quan bố nghỉ ngơi. Mọi người trong phòng làm việc của bố đi vắng hết, chỉ còn lại mình tôi. Tôi mệt quá mà không dám nằm nghỉ. Tôi 14 tuổi, tôi đang lớn và tôi sẽ rất xấu hổ nếu ai đó lạ thấy tôi nằm. Tôi ngồi ở mép giường và cứ thế ngả lưng xuống, hai chân vẫn chạm đất để ai mở cửa là tôi vùng dậy được ngay. Tư thế ấy, tôi không hình dung nổi nó xấu đến mức nào nhưng chắc cậu ấy biết vì đúng lúc đó, cậu ấy mở cửa bước vào phòng. Tôi còn chưa hết ngại ngùng, lúng túng thì cậu ấy đã phản xạ rất nhanh, hỏi tôi như không thấy gì lạ:
- Anh Tú có ở phòng không ạ?
- Chị cho em gửi cái này cho anh.
Thế rồi cậu ấy biến mất không chờ tôi trả lời.
Tôi dụi mắt, tò mò mở xem đó là cái gì, hóa ra là một cái thiệp chúc mừng. Thiệp cũng đẹp đấy chứ, nhất là lại to nữa, chắc đắt tiền lắm. Ở quê, chúng tôi cũng có phong trào tặng quà trước khi nghỉ hè, nhưng quà thường là những tấm ảnh bé nhỏ, mỏng mảnh, in ảnh một diễn viên nào đó. Tùy vào sở thích của từng bạn mà chúng tôi lựa chọn những tấm hình phù hợp để trao tặng. Tôi chưa bao giờ được thấy tấm thiệp sang đến thế.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về cậu ấy là một sự thán phục như vậy.
Bố tôi về. Bố tìm khắp xem có gì cho tôi ăn không. Tôi nói tôi muốn uống cái thứ nước màu đỏ trong chai nhựa trên tủ kia. Bố bảo: "Ừ. Của thằng cu Triển đấy, nhưng chả sao. Bố pha cho con uống nhé." Cốc nước màu đỏ, khi uống có vị ngọt ngọt chua chua. Đó cũng là lần đầu tôi được biết sirô dâu là gì, thứ nước ngọt có cái tên nghe tây tây, lạ lạ vì cho tới lúc ấy tôi vẫn chưa từng học tiếng Anh.
Hết mùa hè đó, anh tôi lên Hà Nội, vào đại học, tôi chuyển tới học ở trường năng khiếu huyện và tiếp tục ở nhờ trong cơ quan bố nhưng không trọ tối mà theo bố đi về hằng ngày. Buổi học đầu tiên của tôi ở lớp mới, trường mới đầy lạ lẫm. May sao lớp tôi học có một bạn cùng đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh với tôi, vẫn còn nhớ tôi, và có cả cậu ấy nữa. Tôi ngồi đầu bàn ba, cậu ấy ngồi đầu bàn một. Có một bạn nữ ở góc trong, bên dưới bàn tôi, muốn lấy cái giẻ lau. Tôi định giúp bạn nhưng vì còn lạ lớp nên tôi ngại đứng lên đi lại. Không hiểu sao tôi lại gọi: "Triển ơi!". Có lẽ bởi đối với tôi, cậu ấy là một trong hai người thân thuộc nhất ở lớp học mới này. Giờ ra chơi ồn ào, ầm ĩ, tiếng đầu cậu ấy không nghe thấy. Tôi gọi tiếp hai ba lần, cuối cùng cậu ấy cũng quay lại, nghe rõ thông điệp và giúp đỡ ngay. Nhưng ánh mắt ngỡ ngàng xa lạ của cậu ấy nhìn tôi làm trái tim tôi thắt lại trong một giây. Ô kìa, tôi vô duyên chưa? Ai thèm quen với tôi chứ!
Khi tôi tới trường mới, tuần đầu tiên tôi học ở lớp 8A1, nhưng các bạn được học trước quá nhiều, tôi theo không kịp. Đến tuần thứ hai, tôi chuyển sang 8A2. Cậu ấy vốn học ở A2 từ lớp 7 nhưng đúng một ngày sau khi tôi về A2 thì cậu ấy lại sang A1. Ngày duy nhất chúng tôi học chung lớp trôi qua với sự kiện "cái giẻ lau" như vậy đó.
Trong suốt những ngày tiếp theo của năm học chúng tôi còn đụng độ nhiều lần. Một sáng ở hành lang lớp học, vào giờ ra chơi, cậu ấy sang địa phận của lớp tôi, là lớp cũ của cậu ấy, đùa nghịch với bọn con trai, và thấy tôi đi qua thì kêu: "Minh ơi, người yêu mày đây này" (Minh là một bạn nam đẹp trai, học giỏi, bị gán ghép với tôi). Giờ mỗi lần nhớ đến câu ấy tôi lại thấy buồn cười, còn khi ấy, không hiểu sao nỗi buồn bực đã thoảng qua tôi như một cơn gió lạnh.
Có hôm tôi vừa đạp xe về cơ quan bố vừa suy nghĩ miên man. Bỗng tôi thấy dáng cậu ấy đang đi bộ phía xa xa. Cứ mỗi lần gặp lại cậu ấy là tôi không sao quên được ánh mắt cậu ấy nhìn tôi hôm nào khi tôi nhờ cậu lấy giùm chiếc giẻ lau. Gần đến cổng Huyện ủy, lòng nặng trĩu, tôi cúi gằm mặt, lặng lẽ đạp xe qua. Cậu ấy gọi tôi: "Đi qua thấy bạn không chào à?". Lúc đó có lẽ mặt tôi cũng hơi đỏ nhưng cảm giác buồn thì chắc chắn là có. Bạn ư? Tôi từng muốn làm bạn với cậu ấy, một niềm an ủi mong manh giữa môi trường xa lạ, nhưng cậu ấy đã làm tổn thương tôi. Sao tôi còn dám mong kết bạn với cậu ấy.
Trong chương trình môn văn lớp 8, chúng tôi được học bài thơ Muốn làm thằng cuội của Tản Đà. Vì bài thơ này mà tôi bắt đầu bị gán ghép với một số đứa con trai ở lớp, điển hình là với Quốc, thằng bạn ngồi chung bàn với tôi (một bàn chỉ có hai học sinh). Vào một buổi trưa, khi tôi và Thùy - một bạn nữ cùng lớp với tôi, ở trong phòng bố thì có chuông điện thoại reo. Nghe máy, tôi thấy giọng nam giới ở đầu dây bên kia hỏi: "Quốc có ở đấy không cháu?". Một đứa nhà quê chưa bao giờ biết nói dối như tôi thì đâu biết xét đoán gì, cứ thật thà trả lời: "Dạ, không ạ". Tiếp tục là lời giới thiệu: "Bác là bố Quốc. Tan học lâu rồi không thấy nó về, bác tưởng nó ở chỗ cháu". Tôi ngạc nhiên quá liền thuật lại cho bạn tôi. Nó giằng lấy điện thoại hỏi: "Ai đấy?". Không biết đầu dây bên kia nói gì chỉ nghe bạn tôi chửi: "Đồ điên", rồi nó phá lên cười bảo tôi: "Chắc đứa nào trêu mày đấy. Không may cho chúng nó là tao lại ở đây". Lúc sau hai đứa bọn tôi chở nhau đi chơi bằng xe đạp, qua cổng cơ quan lại gặp ngay cậu ấy đang đi bộ với Hữu, bạn cùng lớp A2, cũng là con một bác trong cơ quan bố tôi, nhưng chẳng bao giờ tôi và bạn ấy nói chuyện với nhau. Tôi không ngờ cô bạn tôi ghê gớm trả đũa ngay: "Hì hì, không biết ban nãy hai thằng nào "sủa" trong điện thoại ấy mày nhỉ?" Tôi thấy hơi ngại nhưng ai bảo họ rỗi hơi đi trêu chọc người khác.
Sau chuyện đó chúng tôi còn chạm mặt thêm một vài lần, nhưng chỉ ngang qua nhau lặng lẽ, không còn thấy cậu ấy nói gì nữa. Một lần tôi vừa ở nhà tắm công cộng đi ra thì thấy cậu ấy cùng mấy anh lớp trên chỉ mặc mỗi quần đùi đứng cạnh bể, dội nước tắm ầm ầm. Choáng! Một đứa mới lớn như tôi thấy cảnh đó không xấu hổ mới là lạ. Lần khác, cậu ấy đi song song với tôi, nhưng cậu ấy thì thong dong trên hành lang tầng một, còn tôi ở dưới sân, đang phải vẹo hông xách nước từ nhà bếp về phòng. Có chị trông thấy trêu: "Triển để bạn gái phải xách nước thế kia à?". Tôi và cậu ấy chỉ cười ngượng, chẳng dám nói gì. Không biết lúc đó cậu ấy có chút nào ý muốn giúp tôi không?
Thời gian thấm thoắt trôi. Cái nắng nóng của mùa hạ ùa về vội vã, giục giã phượng bừng đỏ và bằng lăng tím ngắt trong sân trường, trên những con đường nữa. Trong Huyện ủy, sấu cũng vào mùa, còn hương ngọc lan thêm ngạt ngào hơn mỗi đêm. Thời gian này tôi ở lại cơ quan bố vào buổi tối chứ không về nhà như trước nữa. Chúng tôi hối hả thi cử, rồi lại bâng khuâng với những dòng lưu bút cuối năm. Nhưng kết thúc năm học chúng tôi chưa nghỉ hè ngay mà theo tiếp một tháng học nghề điện. Các anh chị lớp 12 ở cùng cơ quan đã thi tốt nghiệp xong. Người được vào thẳng đại học, người tiếp tục đi ôn thi ở các lò luyện cấp tốc để sau một tháng sẽ dự kì thi đại học của cả nước. Trước khi chia tay nhau các anh chị tổ chức một buổi liên hoan ngọt thật hoành tráng. Chị Lan, chị Hạnh dặn đi dặn lại tôi: "Em nhớ tham gia, không sau này ít có cơ hội được ở gần nhau nữa đấy".
Liên hoan diễn ra vào buổi tối, lúc đó các bác, các cô trong cơ quan về hết. Ông bảo vệ với vài người trực chỉ uống nước chè, đọc báo rồi đi ngủ từ rất sớm. Cả cơ quan sẽ là thế giới riêng của bọn trẻ chúng tôi. Chúng tôi có khoảng hơn chục người, là con của các cô bác trong cơ quan, đều đang đi học cấp 2 hoặc cấp 3, chỉ có duy nhất anh Hà con bác Thuận là đi làm rồi, làm ngay ở cơ quan này. Trong số các anh chị em có tôi và cậu ấy là nhỏ tuổi nhất. Tôi cũng không biết là sẽ gặp cậu ấy ở đây, mà gặp thì cũng chẳng sao, người dưng nước lã thôi. Nhưng suốt buổi liên hoan các anh chị cứ có dịp là lại gán ghép tôi với cậu ấy, làm tôi ngượng chết đi được, bao nhiêu đồ ngon mà chả dám ăn nhiều. Nào là "Hai đứa này, sao không ăn đi, ngại nhau à?", nào là "Sao hai đứa chẳng nói chuyện gì thế? Chúng mày học cùng nhau cơ mà. Phải như bọn anh, bọn chị đây này, nói chuyện cười vỡ quả đất luôn". Rồi nữa "Ha ha, trông cô cậu hợp nhau đấy!". Trời đất! Trêu chòng kiểu ấy ai mà ăn nổi, mấy anh chị chơi ác quá!
Ấy vậy mà sau buổi liên hoan đó, mối quan hệ của chúng tôi đã rẽ sang một bước ngoặt mới, nhanh như ngôi sao băng vụt bay trên bầu trời và mạnh mẽ hơn cả thủy triều lên.
Bắt đầu là một buổi chiều tối rảnh rỗi, khi cơ quan vắng bóng người dần, cậu ấy đến rủ tôi ra hành lang chơi. Không hiểu sao tôi nhận lời cậu ấy ngay mà chẳng có chút đắn đo gì. Chúng tôi bắt đầu nói những câu chuyện ngay trước cửa phòng bố tôi. Những câu chuyện không đầu không cuối cứ trải ra bất tận mà sao tôi không thấy chán....