Quỳnh Anh đến gần cuối con phố, thì cánh cửa cửa hàng đồ chơi mở ra. Một người đàn ông to béo, da nhiều đồi mồi, đỉnh đầu hói sáng với lơ thơ vài chùm tóc bạc trắng ngoái theo cô bé. Theo thói quen, ông đưa tay đẩy gọng kính nơi sống mũi, khẽ chép miệng. Cô bé châu Á này ngày nào cũng đứng rất lâu ngoài cửa hiệu ông, mà hôm nay mới hơn mười phút đã đi. Nhìn cái dáng nặng trĩu của cô, ông không nghĩ cô có chuyện vội mà phải chào mô hình trang trại nhà gấu sớm như vậy.
Hôm sau, ngang cửa hiệu, dù tự nhắc mình nhưng Quỳnh Anh không cầm lòng được, phải đứng lại ngắm trang trại đồ chơi một lát. Hôm sau nữa, cô vẫn không thoát khỏi ma lực của những chú gấu, phải dừng lại. Rồi các ngày sau, cô chọn đi đường vòng về nhà dù xa hơn, cố tình không qua hiệu đồ chơi. Nhưng tối tối nằm trên giường, cô luôn mường tượng về trang trại nhà gấu bằng gỗ ấy, chính xác từng chi tiết. Cô dần chìm vào làn lâng lâng mào đầu giấc ngủ với nụ cười trên môi, tưởng tượng mình đang đóng một vai gấu nào đấy.
3. Một sáng thứ bảy gần Noel, trời bỗng đẹp. Tuyết không rơi, gió bớt thổi và da trời sáng láng. Quỳnh Anh ra công viên ngắm cây thông được người ta trang hoàng lộng lẫy, rồi nghĩ thế nào cô bước về con phố nơi có cửa hàng đồ chơi. Cô nhớ trang trại đồ chơi khủng khiếp. Cô thầm nhủ “ngắm một chút chắc không sao”. Những bước chân cô trĩu dần khi đến gần cửa hàng, cô bỗng sợ mô hình ấy đã có ai mua. Cô sẽ khóc òa lên mất nếu không kịp từ biệt các bạn gấu.
Trang trại mô hình vẫn nằm trong tủ kính trưng bày, nhìn ra góc phố phủ trắng tuyết. Quỳnh Anh cười tươi, nhẩm đếm số lượng gấu. Chợt những chiếc đèn vàng nằm ở nhiều góc trong tủ kính bật sáng, khiến quang cảnh nông trại tăng phần chân thực. Quỳnh Anh dụi mắt, ngỡ vừa nhìn thấy các chú gấu cử động. Cô há mồm, mê mẩn ngắm. Và nỗi trầm trồ đã điều khiển, đưa cô bước vào cửa hiệu.
Tất cả đồ chơi trong cửa hiệu đều bằng gỗ. Nếu có phép màu, Quỳnh Anh sẵn sàng biến thành một món trong này. Món nào cũng được vì món nào cũng đẹp. Mô hình hai ông già Noel lái trực thăng và thả thang dây để chui vào các ống khói, phát quà cho trẻ em. Những thiên thần mặc váy trắng đang đàn hát trên đám mây xốp bồng. Xe lửa to với những hình người trong các toa khách đang ngắm cảnh, ăn sáng, đọc báo, vân vân y như thật. Sau một vòng dạo quanh với đôi mắt giương tròn, Quỳnh Anh đến bên mô hình trang trại nhà gấu. Lần đầu nhìn những chú gấu tận mắt, không qua lớp kính dày, cô thấy chúng còn mê ly hơn vạn lần. Khi cô toan nhấc một chú gấu lên, thì tâm trí cũng vừa tỉnh. Cô vội rụt tay lại, nuốt nước bọt đánh ực đầy thèm thuồng.
Quỳnh Anh loay hoay hoài bên mô hình, mãi không tìm thấy mác giá. Cô muốn biết nếu mình tiết kiệm gắt gao thì bao giờ có thể đem nó về nhà. Đúng lúc ấy, ông già tóc bạc chủ hiệu đồ chơi đến bên cô.
“Đây là Philip, nó là Ivan, kia là Francois, còn đó là Isabella…” – Ông già chỉ tên từng chú gấu cho Quỳnh Anh. Rồi ông mỉm cười hóm hỉnh nhìn cô bé châu Á mắt một mí. – “Thế tên cháu là gì?”
“Cháu là Quỳnh Anh.” – Cô cười ngoan đáp lại ông, chìa tay ra xin bắt. Mẹ cô dạy đây là cách chào lịch sự của người phương Tây.
“Mô hình này ông dành cho cháu ông, không bán đâu. Cháu có thể chọn các món khác trong cửa hiệu, ông chỉ cháu nhé.”
“Cháu không mua đâu, chỉ ngắm thôi.” – Quỳnh Anh nhìn xuống đất, hai tay vân vê ve áo len. – “Cháu không thể vòi bố mẹ đồ chơi xa xỉ. Nhà cháu mới đến đây từ Việt Nam… Cháu ông sướng thật đấy! Ông tên gì thế?” – Cô đột ngột đổi giọng, ngẩng nhìn ông già, cười tít cả mắt. Noel là dịp vui của xứ này, cô thấy thật không phải khi kể khổ với người lạ.
“Ừ!” – Ông già nhìn cô trìu mến. – “Tên ông là Muller. Nếu thích, mỗi ngày cháu có thể đến đâu ngắm đồ chơi.”
“Thật không ông?” – Giọng Quỳnh Anh reo vang như tràng chuông nhỏ. Nụ cười cô bập bùng mãi trên môi sau cái gật đầu của ông già.
Sự xuất hiện của Quỳnh Anh khiến ông Muller thấy rất dễ chịu. Lâu rồi ông mới lại được sưởi cái ấm áp của mùa Noel, qua nụ cười như mặt trời của cô bé xa lạ. Cháu trai ông cũng tầm tuổi cô, mà nhiều năm rồi ông không gặp được. Con gái ông mất sớm, con rể lấy vợ mới đem cháu ông đi sống ở xa.
4. Từ Noel đó, ngày nào sau giờ học và mỗi cuối tuần rảnh rỗi, Quỳnh Anh đều đến cửa hiệu đồ chơi của ông Muller. Cô phụ ông chăm sóc các món đồ chơi, dùng khăn bông mềm lau bụi, giữ cho chúng luôn mới. Ông kể cho cô nghe về ông già tuyết, giấc mơ của thiên thần, cuộc sống các con vật – cái thì có ghi trong sách vở, cái do ông sáng tạo nên. Thuộc hết những câu chuyện đằng sau các món đồ chơi, Quỳnh Anh càng yêu thích chúng.
Qua nhiều năm, ông Muller dạy cho Quỳnh cách phân biệt các loại pho mát và xúc xích, văn hóa Đức, thói quen đúng giờ và nghiêm túc của người Đức… Cô thấy mình hòa nhập ngày một dễ dàng hơn với vùng đất này. Thi thoảng, ông còn cho cô xuống xưởng gỗ sau cửa hiệu, nơi ông chế tác các món đồ chơi và kể cho cô nghe chuyện của cháu ông qua các bức thư cậu ấy gửi. Cô bé Việt Nam trở thành bạn của một ông già Đức.
Một chiều giữa tháng Tư, Quỳnh Anh như thường lệ ghé cửa hiệu sau giờ học. Nhưng cách cô đẩy cửa vào khiến ông Muller thấy lạ. Rồi cả buổi, cô lau chùi các món đồ chơi bằng dáng điệu nâng niu hơn mọi ngày. Mấy lần cô toan nói gì với ông, nhưng mãi không dám cất lời.
“Ông ơi, hết năm học này nhà cháu sẽ chuyển đến Munich (2), tận đầu kia nước Đức cơ.” – Quỳnh Anh buồn bã nói khi đang lau những chú gấu trong mô hình trang trại mà cô luôn yêu thích nhất.
“Ồ, thế tốt rồi!” – Giọng ông Muller nhiều vui mừng để không làm tâm trạng Quỳnh Anh xuống sắc thêm. Ông nhìn cô bé trìu mến. – “Cháu đã lớn phổng thế này, không còn là cô bé gầy đét ngày xưa nữa. Vài năm nữa cháu vào đại học, ở thành phố lớn như Munich, cháu sẽ có nhiều lựa chọn hơn Wuttenberg nhỏ bé này. Cuộc sống của người trẻ thú vị lắm, thú vị hơn thế giới đồ chơi nhiều.”
“Bố mẹ cháu cũng nói như ông.” – Quỳnh Anh vẫn buồn thiu. Cô đã mười bốn tuổi nhưng cái thế giới đồ chơi thần kỳ vẫn luôn mê hoặc cô.
Ông Muller vào nhà trong, rồi trở ra với một hộp diêm nhỏ màu vàng trên tay. Ông đưa cho Quỳnh Anh với ánh mắt vui thích, thúc giục cô mở nó.
Chưa bao giờ các món đồ chơi của ông Muller thôi làm Quỳnh Anh thích thú. Tâm trạng đang trĩu của cô tan vèo ngay khi mở hộp diêm. Bên trong là một phòng khách có lò sưởi, nơi ông già Noel nhỏ xíu đang phát quà cho hai đứa trẻ. Cảnh rất ấm. Không gian chỉ bằng ba ngón tay trẻ em chụm lại nhưng một cuộc sống riêng đang diễn ra trong đó. Thật thần kỳ! Cô tò mò không biết khi đóng hộp diêm lại, chiếc đèn trong ấy có chiếu sáng không, hai đứa bé sẽ nói gì với ông Noel. Thật thần kỳ!
“Tặng cháu đấy!”
Quỳnh Anh mỉm cười mãi nhìn ông Muller. Mắt cô sáng lấp lánh, long lanh màng nước mỏng. Lòng cô vẫn buồn khi chẳng bao lâu nữa là không thể ngày ngày gặp người bạn tóc bạc của mình, nhưng nỗi buồn ấy đã vơi khó chịu.
5. Xe lửa gần đến ga Wuttenberg, Quỳnh Anh ngồi mở ra mở vào mãi hộp diêm đồ chơi, gắng bình lặng cơn nôn nao. Đã sáu năm rồi cô mới trở lại thành phố nhỏ này. Hay tin ông Muller bệnh, cô thu xếp ngay lịch học để về thăm. Ông đã già lắm, cô sợ không thể chào người thầy, người bạn của mình. Cái cảm giác lo có ai mua mất, đem đi mô hình trang trại nhà gấu năm xưa, cô vẫn nhớ như in.
Quỳnh Anh mỉm cười với ông già Noel trong hộp diêm. Có thể ông Muller tặng cô vì đây là món đồ chơi độc đáo, dễ đem theo. Nhưng với cô, nó giàu ý nghĩa hơn thế. Vừa học vừa làm, nỗ lực phấn đấu để có một vị trí tốt hơn trong cuộc sống, nhiều khi cô mệt mỏi và tủi thân lắm. Mỗi lần thế, cô đều ngắm chiếc hộp để xin thêm nghị lực. Hộp diêm bé nhỏ vẫn có thể thần kỳ chứa một thế giới. Cô trẻ, có trí tuệ, có đôi tay và những cơ hội – cô có tất cả để tạo nên những điều thần kỳ to lớn hơn. Vì thế, những cơn mệt nhất thời chưa bao giờ làm chùn bước cô.
Trên con phố cũ, thấp thoáng thấy biển hiệu “Cửa hàng đồ chơi Muller”, Quỳnh Anh chợt rạo rực và vui mừng. Cô bước thật nhanh đến, và gí sát vào tủ kính trưng bày, ngắm mô hình trang trại nhà gấu vẫn như xưa. Cái lạnh từ cửa kính truyền sang đỉnh mũi cô tê tê. Cô bỗng ngược thời gian, trở về ngày lần đầu tiên nhìn thấy những chú gấu gỗ. Môi cô bất giác mỉm cười.
“Xin chào!” – Một chàng trai tóc vàng, mắt xanh, mũi lõ, gò má cao mở cửa bước ra, nhìn Quỳnh Anh từ đầu đến chân. Cái cách anh đưa tay đẩy gọng kính nơi sống mũi, khiến cô thấy quen quen.
“Chào anh! Tôi, tôi…” – Quỳnh Anh tự nhiên lóng ngóng không biết nên giải thích thế nào về mình, đoán chừng