- Chính vì ông giáo chết bất đắc nên người ta mới nói… Mà thôi, chuyện nhà đó đã lâu rồi không qua lại, con còn nhắc tới làm gì. Mà chuyến này con về là để lo việc gì, sao má mày đâu không về?
Toàn đáp khiến bà nội giật mình:
- Con về chỉ vì chuyện nhà ông giáo!
Bà nội trố mắt:
- Chuyện gì?
Toàn gấp gáp đứng lên:
- Để con đi xong việc rồi về chơi mấy bữa.
Anh đi thang ra cửa trước sự lo lắng của nội:
- Mà con đi đâu?
- Việc riêng của con mà!
Nơi Toàn tìm tới đúng là ngôi nhà của ông giáo Luận. Lâu ngày không ghé qua, quả là có nhiều thay đổi, nên Toàn phải hỏi mấy lượt người ta mới chỉ cho:
- Nhà thầy giáo Luận từ khi ông ấy mất thì có nhiều thay đổi. Hồi xưa đường vào nhà thầy là đi bên cạnh đình làng, nhưng những năm trước người ta bít con đường đó, mở con đường mới đi từ bến sông lên gần hơn. Bây giờ cậu cứ theo lộ xe đây, đi tới chỗ bến đớ, thấy có cái cổng xi măng đề mấy chữ: Từ đường ông Hội Đồng, cậu cứ theo đó mà đi chừng vài trăm mét, hỏi nhà giáo Luận ai cũng biết.
Đọc truyện ma – Lời thề độc
Toàn còn nhớ thời anh còn nhỏ đã từng đi qua ngõ này, nhà hội đồng Kinh lớn nhất vùng, có nuôi nhiều chó dữ, nên tuy con đường qua lại đã có từ lâu, nhưng bọn trẻ như anh không thích đi, bởi sợ chó. Mà người thường nhắc Toàn không nên đi lối này lại là một cô gái, bạn học với Toàn, mà lúc này Toàn đang chợt nhớ tới, Quỳnh Mai!
Chuyện Toàn trở về đây đột ngột là cũng bởi Quỳnh Mai. Cô bạn học này ngày xưa suýt nữa đã cùng với Toàn lên Sài Gòn học tiếp bằng Tú Tài, nếu không vì cái chết đột ngột của ông giáo. Rồi từ đó Toàn không còn liên lạc gì, dẫu khi học ở Sài Gòn trong mấy năm đầu anh cũng đã có gửi về năm sáu lá thư mà không thấy hồi âm…
- Cậu tìm nhà ai?
Thấy Toàn ăn mặc ra dáng công tử nên một chị gánh hàng rong lên tiếng hỏi. Toàn đã nhớ lối vào nhà thầy Luận, nên chỉ tay và đáp:
- Nhà thầy giáo Luân.
Chị đó buông gánh hàng xuống, nhìn Toàn một lượt rồi nói:
- Chắc lâu lắm cậu không tới đây phải không?
- Dạ đúng. Tôi học ở Sài Gòn…
- Thảo nào…
Toàn ngạc nhiên:
- Có gì vậy chị?
- Cậu biết ông giáo đã chết?
- Dạ biết. Hồi ông giáo chết tôi còn ở xứ này.
- Nhưng… những cái chết sau đó cậu có biết?
- Ai chết? Những cái chết nào?
Chị bán hàng chưa kịp nói thì bỗng Toàn vụt chạy về hướng ngôi nhà mà anh đang đi tìm. Trong đầu anh dường như đang có một linh tính gì đó…
Lúc đẩy cánh cổng cây đã mục nát Toàn mới chợt nhận ra sự hoang vắng của ngôi nhà. Ngoài cánh cổng mục, cái sân rộng cũng mọc đầy cỏ um tùm. Khi Toàn bước vào cửa trong thì đã hiểu ngôi nhà không có người ở từ lâu. Cửa đóng kín, khóa bên ngoài bằng một ống kháa to đã rỉ sét.
- Sao kỳ vậy?
Toàn đang tự hỏi thì chợt anh nghe tiếng bước chân từ phía bên hông nhà, cùng lúc có người cất tiếng gọi:
- Cậu tìm gì trong này?
Toàn quay lại bắt gặp một người đàn ông lớn tuổi, ăn mặc kiểu một nông dân vừa đi đồng về, trên tay ông còn cầm cây cuốc đầy bùn.
- Dạ, cháu muốn tìm nhà thầy Luận. Tìm… cô Quỳnh Mai?
Bỗng người nọ kêu lên:
- Cậu là cậu Toàn cháu bà nội Năm phải không?
Toàn ngơ ngác:
- Chú đây là…
Vị lão nông lột chiếc nón lá đang đội trên đầu xuống, lộ ra một khuôn mặt khá quen thuộc với Toàn:
- Cậu Sáu!
Thì ra người đang đứng trước mặt Toàn là cậu thứ Sáu trong nhà này, tức em vợ thầy Luận, mà hồi trước khi còn qua đây chơi, Toàn thường được cậu hái ổi cho ăn.
- Thằng bây giờ lớn đại! Mà sao cói bây giờ con mới về hả Toàn?
Trong câu hỏi dường như có sự trách móc. Toàn cũng cố ngượng:
- Dạ, do con đi học ở Sài Gòn, con có viết thư về cho Quỳnh Mai, mà không thấy trả lời.
Cậu Sáu nhẹ thở dài, rồi chỉ tay ra sau bảo Toàn:
- Bây giờ cậu ở ngôi nhà phía sau vườn. Hồi xưa nó là phía sau, nhưng bây giờ trở thành cửa trước, bởi nhà không còn ai nên cậu đóng cửa trước này lại, chỉ ra vào cửa sau thôi. Qua nhà đi rồi cậu kể chuyện cho nghe.
Ông đi trước dẫn đường, đến khi lọt vào phía vườn sau, Toàn mới nhớ ra, hồi đó ở sau vườn này anh và Quỳnh Mai đã từng chơi đùa, hái trái và đôi khi còn tắm sông.
Ngỏ sau này đúng là còn có một lối đi thông ra phía đình làng.
- Sao cậu ở một mình?
Không trả lời Toàn, chờ khi vào nhà rồi ông mới nói:
- Cậu bây giờ sống ở đây một mình để hương khói cho cả nhà.
Toàn hốt hoảng:
- Cả nhà nào?
Chỉ tay về tủ thờ lớn, cậu Sáu đáp, giọng buồn hiu:
- Cả nhà anh chị tôi đều chết hết cách nay hơn ba năm rồi!
- Trời ơi!
Toàn nhìn lên tủ thờ, anh còn sửng sốt hơn khi thấy có ảnh của Quỳnh Mai:
- Huệ… Huệ cũng… chết rồi sao cậu?
Giọng cậu Sáu chùn xuống:
- Sau khi ba nó chết đột ngột thì hơn một năm sau thì bỗng nửa đêm đến phiên chị tôi cũng chết theo. Tôi cứ tưởng là chuyện bình thường, nhưng vừa chôn cất chị tôi được vài tuần thì bỗng con Quỳnh Mai cũng lăn đùng ra chết mà chẳng có bệnh hoạn gì! Mà nào có hết, hai đứa chị của nó đi dạy học xa cũng bị tai nạn chết cùng lúc, sau đó chỉ mấy tháng!
Toàn không còn giữ được bình tĩnh, anh thảng thốt kêu lên:
- Trời ơi!
Cậu Sáu có lẽ lâu lắm không được kể với ai về chuyện nhà, một bi kịch mà vì nó hầu như cả làng này không còn ai dám lui tới nhà ông nữa:
- Đúng là những cái chết không bình thường. Một bi kịch mà không hiểu ông trời có ghét bỏ gì nhà này không mà lại rơi xuống thảm khốc như vậy! Từ đó nhà này tiêu điều luôn, tôi nhiều lần rao bán nhà nhưng chẳng ai dám mua, mà càng ngày càng xa lánh nữa. Tôi đành phải thui thủi sống một mình để nhang khói cho họ.
- Nhưng tại sao lại có chuyện bi thảm vậy, cậu Sáu?
Cậu đứng lên, đi lấy ra một hộp giấy nhỏ, trong đó chứa nhiều thư từ, giấy tờ cũ. Trong số này có cả mấy lá thư của Toàn, còn nguyên chưa được xé ra. Toàn hiểu ra, anh chép miệng:
- Thảo nào con chờ hồi âm mãi mà không có.
Cậu Sáu còn lấy ra một tờ giấy cũ khác đưa cho Toàn:
- Con có đọc được chữ này không?
Toàn cầm lấy xem qua rồi lắc đầu:
- Đây giống như chữ Cao Miên, con không đọc được.
- Đúng đây là chữ Miên. Tờ giấy này do một đạo sĩ người Miên, trong lễ an táng anh giáo Luận thì ông này ghé lại đốt nén hương trước quan tài và xin giấy bút, viết một hơi và bảo người nhà đi tìm người đọc và làm theo. Sau khi an táng anh rể tôi rồi do lu bu, vả lại xứ này có ai biết đọc chữ Miên, nên tờ giấy này phải hơn một năm sau mới được dịch nghĩa ra và… bi kịch đã xảy ra rồi!
Toàn giật mình:
- Trong giấy nói gì vậy?
- Đó là lời của vị đạo sĩ giỏi về bắt vong gọi hồn, ông ấy biết trước sự việc sẽ xảy ra sau cái chết của giáo Luận và khuyên người nhà nên cúng vái, ngăn ngừa… Nhưng do không đọc được tờ giấy này nên thảm họa đã xảy ra!
- Trong đó nói gì?
- Ông ta nói giáo Luận chết vì đúng giờ trùng, lại gặp đúng hung tinh tác động, nên từ một cái chết sẽ kéo theo nhiều cái chết nữa của người trong nhà, nếu không kịp ngăn ngừa!
- Nhưng ngăn bằng cách nào?
Ông nhìn thẳng vào mặt Toàn, giọng đầy lo lắng:
- Bất cứ ai có liên hệ đến người chết đều có thể bị nguy. Anh rể tôi chết vào giờ trùng, gặp hung tinh Bạch Hổ, nên vợ rồi con đều phải liên lụy, trong số những đứa con của anh chị tôi có con Quỳnh Mai, nó ẩn tuổi cha, lại cùng mạng hỏa với cha nó, nên khả năng gây họa của nó cao hơn hết trong nhà! Bởi vậy kể từ khi nó chết tôi đã rà soát trong nhà coi có ai có thể bị ảnh hưởng bởi sao xấu của nó không mà chưa thấy. Nghe nói, nếu khi còn sống mà con Quỳnh Mai có quan hệ tình cảm với ai thì người đó sẽ không yên.
Ông nói xong cầm mấy lá thư của Toàn trả lại cho anh ta:
- May là những lá thư này nó chưa đọc, chứ nếu không thì…
Bỗng ông giật mình kêu lên:
- Mà không xong rồi! Cậu có tên trong sổ lưu bút của nó, lại đứng đầu sổ nữa.
Ông chạy đi lấy ra quyển sổ lưu bút đã cũ, đưa cho Toàn xem:
- Đây nè, cậu xem!
Toàn nhớ ngay quyển lưu bút này. Hồi đó chính Quỳnh Mai đã đưa cho anh và còn nói:
- Trong sổ này em chỉ muốn anh và hai người bạn nữa viết thôi, em không thích cho nhiều người viết. Anh là bạn thân duy nhất của Huệ, còn hai người kia là anh họ xa, đều là những người thân thiết nhất của Huệ!