Tình trạng của tôi lúc này vô cùng thê thảm, bạn thân bỏ mặc, bạn trai thì không có để ôm lấy mà vùi vào lòng người ta khóc một trận cho đã đời, gia đình thì ở xa...
1. Tôi vừa nhận được một email thông báo nghỉ việc lần thứ năm trong đời mình. Tôi không hiểu sao mình luôn dính phải những việc không may như thế. Lần nào cũng như lần nào, vẫn là một chuỗi những hành động quen thuộc được lặp lại: nghe thấy đồng nghiệp nói xấu nhau, đứng ra can thiệp, lập tức bị cô lập, bị sếp đánh phủ đầu bằng những hợp đồng cao ngất ngưởng, tiếp sau đó là chứng kiến cảnh những ngón tay thon dài điệu nghệ của tên trợ lý giám đốc ngồi phía đối diện đích thân soạn một email ngắn gọn xúc tích để hòng tống cổ tôi ra khỏi công ty.
Cầm một hộp rỗng về chỗ làm, chuẩn bị sắp xếp mọi thứ để ra về trước ánh nhìn như soi mói của đồng nghiệp, tôi với lấy điện thoại gọi cho bạn thân một cuộc gọi, hòng nhận được lời an ủi có cánh nào đó. Rằng tôi sẽ ổn thôi, nhân tài như tôi sẽ sớm được tìm thấy và trọng dụng, vân vân và mây mây. Cuối cùng, nó gắt lên với tôi bằng cái giọng cao hơn quãng tám.
“Ê, lại bị đuổi việc hả? Rốt cuộc thì mày có vấn đề gì với giới văn phòng thế? Lần thứ năm rồi, biết không?”
Tôi ngán ngẩm:
“Biết! Thế rồi sao?”
“Sao cái đầu mày! Tối nay tao không rảnh, đi giải quyết tâm trạng một mình đi! Đi cùng mày chắc tao cũng dính vận đen đó…”
Nó còn chưa kịp nói hết thì tôi cúp máy, nước mắt chực trào ra. Tôi ôm vội đống đồ nghề đã được xếp gọn trong thùng giấy, cắm đầu cắm cổ chạy ra khỏi công ty. Trước khi đi khuất mắt khỏi đó, tôi còn cố chấp quay đầu lại nhìn nơi đã giam cầm tuổi thanh xuân của mình trong ba tháng trời ròng rã, chửi rủa một tràng dài một cách hết sức… nhẹ nhàng. Xong xuôi mọi thứ, tôi khoát tay gọi chiếc taxi, đi về nhà một mạch.
2. Tình trạng của tôi lúc này vô cùng thê thảm, bạn thân thì bỏ mặc, thậm chí còn xa lánh như thể mình là vận đen đủi, bạn trai thì không có để ôm lấy mà vùi vào lòng người ta khóc một trận cho đã đời, gia đình thì ở xa, tôi lại sợ mẹ lo lắng nên nhất định phải giấu chuyện nghỉ việc lần này. Dù sao tôi cũng không thấy mình sai, chẳng lần nào bị đuổi việc mà tôi thấy mình sai cả. Chỉ là tôi có hơi cứng đầu cứng cổ, lại hay ra vẻ anh hùng bênh vực kẻ yếu, nhưng lần nào cũng vậy, sau khi đứng ra bênh vực họ xong tôi mới thấy hóa ra mình bị bẫy, người như mình vốn dĩ bị người ta ghét vì quá thẳng tính và không biết xu nịnh, lôi mình ra làm một tấm bình phong vô cùng an toàn.
Càng nghĩ đến nhân tình thế thái thì tôi càng thấy cuộc đời của mình xám xịt. Hai mươi tư tuổi, năm lần bị đuổi việc, hình như chưa có một ai thê thảm hơn tôi thì phải. Nhưng cũng giống như những lần trước, tôi dành trọn vẹn một ngày để giải tỏa cảm xúc bản thân trước khi ngồi tê liệt trước bàn máy tính tìm việc và rải CV đi khắp mọi nơi có thể.
Tôi chạy đến một showroom bán hàng cao cấp, như một thói quen, nhìn dán mắt vào những đôi giày của một nhãn hiệu mà tôi thích từ khi còn nhỏ xíu. Sở thích quái đản của tôi chính là vung tiền tiêu cho bằng hết trước khi tìm được một công việc mới. Sao cũng được, chết đói cũng không sao, cứ mua sắm cho hả lòng hả dạ trước đã.
- Cho tôi mua đôi này!
- Cho tôi mua đôi này!
Tôi vừa chạm tay vào đôi giày mà bản thân phải đứng ngắm nghía trước tủ kính trưng bày đến ba mươi phút đồng hồ là ít. Ngạc nhiên khi thấy một gã cao to, mặt mũi sáng sủa cũng chạm tay và nói ra cùng lúc với tôi. Tôi trợn mắt, bặm môi lên nhìn gã, hy vọng là sẽ dọa cho gã phát sợ mà buông tay ra, không lôi thôi gì đến đôi giày của tôi nữa.
- Đôi giày này chỗ chúng tôi chỉ còn một đôi duy nhất! Hình như khắp khu vực cũng không còn hàng nữa. - Cô nhân viên đứng nhìn cả hai chúng tôi rồi cười cầu hòa.
Tôi cố gắng giành giật, ra sức kéo đôi giày về phía mình, cuối cùng cũng không ăn thua. Hắn chỉ nói một câu đã làm tôi hết sạch sức lực.
- Vậy thì gói lại cho tôi đi, tôi là khách hàng VIP ở đây!
Hắn còn ra điệu bộ chỉ chỉ vào cái thẻ gì đó ở túi áo sơ mi màu xám. Nhìn thì nho nhã lịch sự mà bản chất không galant một chút xíu nào. Tôi ho khan lên một tiếng, quyết tâm rước cho bằng được đôi giày đó về, nếu không, tôi sẽ trở nên bứt rứt khó chịu, cái bệnh này trước sau vẫn chưa sửa được.
- Khoan đã. Tôi chạm vào nó trước mà! Anh hỏi cô ấy xem!
Gã nhướn mày, quay sang nhìn cô nhân viên. Nhưng vẫn là chữ VIP nặng hơn, to lớn hơn, đè hết cả những thứ khác, cô ấy mỉm cười.
- Dạ, thật ra thì… em cũng không rõ nữa!
Tôi tức tối:
- Vậy thì mỗi người một chiếc đi, như vậy mới công bằng!
Rốt cuộc tôi đã làm một việc hết sức điên rồ là dốc gần như cạn kiệt số tiền trong túi chỉ để rước về một chiếc giày. Nếu như bình thường là một đôi thì chắc chắn nó sẽ được tôi hả hê trọng dụng lắm, đằng này chỉ là một chiếc, giống như là của nợ, mang về nhà rồi chỉ còn biết xếp lên kệ giày một cách vô cùng ngao ngán. Điều an ủi duy nhất trong ngày là cũng có một gã khùng điên không kém, nhất quyết đòi mua bằng được một chiếc giày như tôi, có chết gã cũng không nhường nhịn. Hình dung lại vẻ mặt của cô bán hàng, tôi xấu hổ muốn chui ngay xuống đất.
3. Tôi nhận được cuộc gọi thông báo đi phỏng vấn. Trước khi đi đã hồ hởi nghĩ đến việc vận may gõ cửa nhà mình. Đến nơi mới ngã ngửa, hóa ra, vận đen chỉ là mới bắt đầu, còn vận may vốn dĩ không có ý định kết thân với tôi.
- Cô đã chuyển nơi làm việc đến năm lần rồi? Lý do?
Là cái gã tôi gặp ở chỗ mua giày lần trước trực tiếp phỏng vấn tôi. Tôi tròn mắt. Ấp úng mãi cũng trả lời xong. Tôi nghĩ chắc mọi thứ cũng không quá tệ, hội đồng phỏng vấn ngày hôm ấy đều rất hài lòng với tôi, chỉ trừ có gã. Tôi biết, nghiệt duyên thì dẫu sao cũng không thể dễ dàng chấp nhận. Huống hồ chúng tôi cũng đã cùng nhau nuốt trôi một cục tức sau khi cùng nhau mua một đôi giày. Cuối cùng, tôi được thông báo trúng tuyển, vào làm ở công ty đó.
Sau năm lần bị tống cổ khỏi công ty cũ, tôi cũng đúc rút cho mình được một số kinh nghiệm, trong đó kinh nghiệm đắt giá nhất chính là bơ đi mà sống, coi như không biết đồng nghiệp đang xì xào bán tán về ai, đang nói xấu ai, cũng coi như mình chăm chỉ, giả câm giả điếc ngồi tại chỗ làm cho xong công việc, hết giờ thì ra về. Như vậy là tốt nhất! Tôi áp dụng triệt để, những ngày đầu đều bình yên, khiến tôi thấy yêu đời hơn một chút.
Một lần, tôi mải mê làm việc tới mức người ta ra về lúc nào không hay. Khi ngước lên nhìn thì trời đã tối, phía dưới cửa kính làm việc đèn đường thắp sáng thành những đốm nhỏ li ti. Tôi bắt đầu ý thức hơn về công việc của mình. Được đi làm đã khó, giữ được việc làm càng khó hơn. Vậy nên tôi nhất định không để mình được phép phạm sai lầm lần nào nữa. Ý nghĩ đó chỉ vừa mới bắt đầu đã lập tức bị gã làm cho bay biến, khi mà gã cũng xuất hiện, trước mắt tôi.
- Sao giờ này còn chưa về?
- Tôi còn chút việc nữa, thu xếp xong sẽ về ngay thôi. Còn anh?
Thật ra tôi thuận miệng hỏi chứ không hề có ý quan tâm gì đến gã. Không biết gã ngốc thật hay giả vờ ngốc, nhìn tôi trầm lặng, môi khẽ nhếch lên nửa cười nửa không, ánh mắt như bị màn đêm bao phủ.
- Chờ cô. Có việc cần nói với cô. Cùng về nhé!
Từ sau khi vào công ty làm việc tôi đã luôn cảnh giác với gã. Giống như một con nhím lúc nào cũng xù lông. Gã đi thang máy thì tôi nhất định đi thang bộ. Gã xuống nhà ăn của công ty thì tôi nhất định mua cơm hộp về phòng ngồi ăn. Việc không phải chạm mặt gã là việc tốt nhất mà tôi nên làm. Chỉ duy nhất hôm nay chúng tôi ở lại công ty cùng nhau, khi mà mọi người đã về hết, tôi bất cẩn không nhận ra. Hóa ra, là gã đã cố tình nán lại để chờ tôi cùng về. Vì quá bất ngờ nên tôi chưa chuẩn bị tinh thần, vừa lúc ngồi ngẩn ra thì gã lại gần, kéo tay tôi đi, lúc qua dãy hành lang còn cẩn thận tắt đèn. Tôi thấy mình giống như bị mộng du, đi theo gã một cách vô cùng ngoan ngoãn. Giây phút tay mình bị bắt gọn trong bàn tay hắn, tôi chỉ mơ hồ duy nhất một ý niệm:
“Chắc chắn là tính sổ với mình vụ đôi giày lần trước. Được rồi, mình không dễ bị bắt nạt đâu!”
4. Khi chúng tôi xuống đến mặt đất thì đường xá đã dát vàng ánh điện, cộng thêm những ánh sáng xanh đỏ phản chiếu lại từ những biển quảng cáo trên đường, tạo thành một khung cảnh ồn ào náo nhiệt, đủ màu đủ sắc. Tôi bị gã kéo đi hết những con phố dài, cái nắm tay nhẹ nhàng như sợ hãi, lúc lại siết nhẹ như cố chấp, cứ thế kéo tôi đi mà không nói năng gì. Đến một đoạn vắng, chân đạp trên những xác lá ngập dưới lòng đường, tôi mới thức tỉnh, đứng lại và giằng tay mình ra khỏi gã.
- Giả vờ giỏi thật đấy! Còn coi như không quen biết tôi?
- Tôi có quen biết anh?
Tôi xuýt xoa cổ tay, không nhìn gã, hằn học đáp trả. Vốn dĩ chỉ là chuyện tranh chấp một đôi giày đáng xấu hổ thôi, không cần phải tỏ ra quen biết. Hơn nữa nếu gã là một người thù dai thì công việc của tôi cũng sẽ nói lời thứ sáu tạm biệt tôi. Vậy thì, thay vì nhận ra gã, tôi thấy tốt nhất là coi như không biết gì....