Mỗi khi gặp lại người quen cũ, mình thường nhận được câu hỏi, ‘lấy chồng chưa, khi nào chịu lấy?’. Mình chẳng biết thế nào cho phải nên đành trả lời bâng quơ.
Đáp lại, có người cười đồng tình, có người giả vờ nhăn mặt, có người tiếc rẻ, “coi lấy cho rồi, kén cá chọn canh hoài”, hay có người còn lo thay mình “hai mấy tuổi rồi, ế bây giờ”…
Trong những câu trả lời ấy, thật sự, mình không biết câu nào đùa, câu nào thật, câu nào chân thành, câu nào không. Cũng có thể, đó chỉ là cách trò chuyện xã giao của người ta, chứ việc mình có “được” cưới hay “bị” cưới cũng chẳng làm họ nghèo đi, giàu thêm, bất hạnh hay hạnh phúc hơn. Nói tóm lại là mình “ế” hay “đắt” cũng không liên quan gì cuộc sống của họ. Điều quan trọng là mình có muốn, có thèm lấy chồng hay không thôi.
Hai mấy tuổi, ở tuổi này, bạn bè hồi cấp một, cấp hai, cấp ba và cả đại học, nhiều đứa đã đính hôn, lên xe hoa, thậm chí có đứa có con đã gần vào lớp một. Nhưng mình không vì thế mà thôi thúc bản thân “lấy chồng cho rồi, còn kịp với bạn bè, với người ta”. Thật sự, mình không có khái niệm lấy chồng sớm hay muộn mà chỉ là mọi thứ đã đủ chín muồi (mang nghĩa tương đối) để kết hôn hay chưa? Mình cũng không nghĩ rằng ở một độ tuổi nào đó thì con gái (dù ở thành thị hay nông thôn, học nhiều hay học ít…) nên hay chưa nên lấy chồng.
Mình hai mấy tuổi, cái tuổi không còn trẻ để ham vui hơn ham làm, ham nghịch hơn ham nghiêm túc. Cũng không còn trẻ để có thể cho mình cái quyền được mắc sai lầm rồi sửa chữa, được cho mình cái suy nghĩ thích làm gì thì làm mà không nghĩ đến kết quả sau này. Nhưng cũng ở tuổi này, mình chưa “tròn trịa” một tình yêu, chưa chín muồi trong suy nghĩ của một người độc thân, chưa đủ tự tin để trở thành một nàng dâu, một người vợ, người mẹ tốt. Chưa và chưa… nhiều thứ.
Ấy thế nên, mình tự cho phép cái quyền được sống thoải mái và hết mình với cuộc sống của một người tự do để sau này mình không cảm thấy tiếc nuối và thèm thuồng khi trở về nhà chồng, để sau này mình không phải làm người phụ nữ suốt ngày cằn nhằn chuyện chồng con đã chiếm hết những khoảng thời gian quý báu của mình.
Năm sau, sau nữa hay sau sau nữa… khi mình ngấp nghé tuổi băm, có thể mình đã chán cuộc sống một mình, đã biết thu vén nhà cửa, bếp núc, gia đình, tiền nong, đã có một công việc ổn định… nhưng nếu vẫn chưa tìm thấy một người phù hợp để làm chồng của mình, làm cha của những đứa con mình thì mình vẫn… không kết hôn với ai đó dù họ cầu hôn mình, dù lúc đó thật sự rất muốn lấy chồng. Mình nghĩ rằng hai mấy hay ba mấy tuổi đi nữa cũng không phải là già vì tình yêu thật sự không có tuổi.
Hôn nhân là điều hệ trọng, hơn hết cả, cuộc sống hôn nhân cần sự đồng điệu trong tâm hồn của hai mảnh ghép lại. Mình thà sống một mình vui vẻ còn hơn sợ cái tuổi ngấp nghé bao nhiêu đó mà gật vội gật vàng, cưới nhanh cưới nhảu một người đàn ông nào đấy mà mình chưa thật sự bằng lòng, để rồi sau này có lúc lại ngoảnh đầu về phía sau. Mình thà sống độc thân yêu đời còn hơn chịu cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”, “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” hay cảnh “bằng mặt mà không bằng lòng”, lấy nhau mà không hiểu hay hợp nhau đôi phần để trái tim người phụ nữ ngày một hao mòn đi.
Hơn hết, mình sợ những đứa con mình sinh ra sẽ chịu cảnh thiệt thòi nếu lỡ may bố mẹ chúng không thể nào dung hòa. Thế nên, hai mấy tuổi, mình vẫn yêu đời, yêu cuộc sống hiện tại và chờ đợi người đàn ông của đời mình xuất hiện. Mình còn thời gian “bồi dưỡng” cho chính mình những kỹ năng cần thiết để làm một nàng dâu, người vợ, người mẹ và khi đến lúc, mình gật đầu ai đó không chút lăn tăn.
Nói vậy, không có nghĩa mình không đồng tình với những em, bạn, chị gái đã lấy chồng khi tuổi đời còn rất trẻ. Bây giờ, mười tám, mười chín hay hai mươi… người ta thường cho là sớm để làm vợ hay làm chồng một ai đó. Nhưng mình nghĩ pháp luật đã cho phép kết hôn khi đủ tuổi thành niên (tức mười tám tuổi) thì chẳng có gì là sớm nếu những đôi yêu nhau đã sẵn sàng cho cuộc sống lứa đôi. Đặc biệt là người con gái, nếu đã “chín muồi” trong tình yêu, suy nghĩ và có đủ điều kiện để xây dựng hạnh phúc gia đình thì lấy chồng ở tuổi nào (trên mười tám tuổi) cũng không là sớm cả.
Mình nghĩ kết hôn ở tuổi nào đi nữa thì điều quan trọng nhất là sự tự nguyện, sự bằng lòng, sự sẵn sàng cho quyết định và chấp nhận kết quả dù là hạnh phúc hay khổ đau. Đến khi lấy rồi nếu nhỡ may mọi chuyện không như ý thì mình cũng không hối hận hay tự dằn vặt bản thân. Và mình phải dám chịu trách nhiệm với tất cả những quyết định của chính mình rồi sau đó mạnh mẽ vượt qua chúng.
Ở mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh khác nhau, chúng ta sẽ có những suy nghĩ, nhận định, cách nhìn và quan điểm khác nhau, thế nên mình nghĩ không cần rập khuôn điều gì theo “số đông”. Mọi thứ nằm ở chính bản thân và cuộc sống của mình thôi.
Giờ, mình vẫn là cô gái độc thân, thích cuộc sống tự do nhưng biết đâu, năm sau hay thậm chí vài tháng sau, mọi thứ sẽ thay đổi một trăm tám chục độ. Mình sẽ cuống lên mà tâm sự với mẹ: “Mẹ ơi, con thèm lấy chồng, muốn lấy chồng lắm rồi nè” thì lúc ấy mình sẽ luýnh qua luýnh quýnh đi “kiếm” chồng.
Nếu giả như có rồi thì nhắc khéo người ta: “Anh, em nhiều người thương lắm nghen, không chịu buộc lại, người ta tranh mất, ráng chịu nghen”. Hay “bí quá” thì mình chuyển sau làm con trâu: “Anh, em muốn anh sẽ là cha của những đứa con em, anh có muốn em làm mẹ của những đứa con anh không, suy nghĩ rồi trả lời nhanh để em còn tính”…
Đó là chuyện của thì tương lai, còn bây giờ mình sẽ cố gắng sống cho những khoảnh khắc khác nhau trong cuộc đời dù một mình hay hai mình, dù “được” đá hay “bị người ta đá”… đều là những khoảng thời gian đẹp nhất.
Tác giả: Hồ Tịnh Thủy