Ở khu phố nơi gia đình tôi mới chuyển tới, mỗi ngôi nhà đều bị gói vào một khối chữ nhật vuông chằn chặn, lành lạnh buồn rầu. Phòng của tôi ở tầng ba, là chỗ tôi đã “xí” từ ngày đầu tiên về nhà mới, vì đó là nơi mà tôi có thể thỏa thích ngắm nền trời xanh biếc mỗi buổi chiều và nhìn những tia nước to đập vào cửa kính khi mưa xuống. Tôi để bàn học ngay cạnh cửa sổ, nơi những tia sáng đầu ngày tha hồ nhảy nhót và tạo thành những hình hoa văn kỳ lạ mỗi khi chiếu qua khung sắt và cái rèm cửa mỏng mảnh màu xanh lá. Tôi là con một. Bố mẹ tôi hiếm khi có mặt ở nhà trước 9 giờ tối vì công việc kinh doanh bận rộn. Cuộc sống đầy đủ và cô đơn khiến tôi chẳng tha thiết gì với bất cứ mối quan hệ hay bất cứ sở thích đặc biệt nào.
Nhà đối diện có người chuyển đến. Nếu không phải vì phòng học ở tận tầng ba thì hẳn tôi cũng không biết được. Chủ nhà cũ đã đi từ lâu, nhưng cách đây một tuần thì người chủ tiếp theo mới dọn đến. Tôi không rõ là có những ai, nhưng cái cửa sổ – cũng ở tầng ba – của ngôi nhà ấy không còn bị đóng im ỉm suốt ngày nữa. Sự rảnh rỗi khi luôn phải ở nhà một mình đã tạo cho tôi một thói quen kỳ lạ. Cứ mỗi buổi sáng khi vừa ngủ dậy và chuẩn bị đến trường, tôi lại ra ban công, chống hai tay lên cằm và nhìn chằm chằm vào khung cửa của nhà đối diện để chứng kiến từng bước chuyển mình của nó. Mỗi ngày, khung cửa ấy lại được dán lên một miếng giấy nhớ hình vuông với đầy màu sắc khác nhau, hồng – xanh lá – xanh lam – vàng, và dán vào những nơi bất định như thể đang thách thức trí tò mò của tôi. Dần dần, chỉ sau hai tuần, cái khung cửa nhỏ viền trắng ấy đã bị lấp đầy bởi những miếng giấy màu, cứ mỗi sớm mai khi nắng lên là lại bừng sáng như những bông hoa trong khung kính. Trí tò mò của tôi, vì vậy, cũng ngày càng bị lấp đầy.
BAN CÔNG ĐẦY GIÓ
Tháng Ba, trời nhè nhẹ gió, cuốn đi những màn sương mỏng mảnh và làn hơi nước ẩm cuối cùng của mùa Xuân để mở một con đường rộng thênh thang cho một mùa đầy nắng. Tôi đứng trên ban công tưới nước cho khu vườn nhỏ của mình rồi nhìn nắng tắt dần sau những tầng mây. “Bộp!” – cái máy bay giấy được gấp bằng một miếng bìa vàng đụng trúng lưng tôi rồi rơi xuống nền. Tôi phì cười, giờ này mà vẫn còn có người chơi máy bay giấy. Xung quanh tôi chẳng có ai, chắc do đứa nhóc nghịch ngợm nào đó nhà hàng xóm phóng hơi mạnh tay.
- Này bạn gì ơi. Cho mình xin lại cái máy bay!
Sân thượng nhà đối diện, chính ngôi nhà với ô cửa sổ đầy màu sắc ấy, loáng thoáng bộ tóc đen ngắn ngủn của ai đó. Thoắt cái, một cậu bạn tầm tuổi tôi nhảy vọt lên rồi ngồi đủng đỉnh ở cái lan can chênh vênh.
- Làm sao biết cái máy bay này là của cậu chứ không phải của người khác? Nó đâu có ghi tên đâu.
Tôi nháy mắt láu cá. Việc đầu tiên tôi thường làm khi gặp một người bạn mới là gây chút ít khó dễ. Tôi thích vậy.
- Làm sao cậu biết là nó không có tên? Mở hẳn ra xem nào.
Tôi bật cười. Hóa ra cũng có lúc thói quen trêu đùa oái oăm của tôi bị người khác vặn lại. Tôi mở bung cái máy bay ra rồi nhìn thật kỹ. Chẳng có gì cả.
- Chẳng có gì cả.
- Phải rồi. Ngay từ đầu cậu đã nói đúng rồi mà. Cứ giữ lấy cái máy bay nhé! Coi như quà tân gia.
Hàng xóm của tôi nhảy phắt một cái ra khỏi thành lan can rồi biến mất. Chẳng cho tôi biết tên, chẳng hỏi tên tôi, chỉ để lại một món quà là tờ giấy trắng trơn không có một chữ gì hết cả.
HAI ĐÔI MẮT KÍNH
Tôi gọi cái cửa sổ nhỏ của mình là đôi-mắt-kính. Đôi mắt ấy thỉnh thoảng được phủ bởi một lớp màn che. Cứ mỗi khi nắng tắt là tôi lại đóng cửa sổ để ngăn tiếng ồn của còi xe và tránh bụi lọt vào phòng, rồi bất chợt nhận ra rằng tôi chưa bao giờ nhìn thấy đôi-mắt-kính của nhà đối diện mỗi khi đêm xuống. Hai ngày sau lần chạm trán bất ngờ với “hàng xóm”, tôi mở toang đôi-mắt-kính của mình, ló hẳn đầu ra ngoài để nhìn kỹ hơn vẻ đẹp của đôi-mắt-kính thứ hai. Trái ngược với những gì tôi mong đợi, bao trùm tất cả chỉ là một màn đen dày đặc hòa với ít ánh sáng le lói của vạn triệu vì sao. Thất vọng tràn trề. Mặt tôi xị ra như một đứa trẻ con bị người lớn thất hứa. Tôi lấy ngón tay vẽ trong không khí những hình thù tưởng tượng.
“Cạch!” – tiếng mở chốt khô khan vang lên. Tôi giật mình, có một chút bối rối vì sợ bị phát hiện đang “nhìn trộm” nhưng vẫn cố gắng đưa mắt dõi theo những gì đang diễn ra ở nhà bên ấy. Cửa mở toang, trước mặt tôi là mái tóc ngắn quen thuộc kèm nụ cười tươi rói.
- Bắt quả tang nhé! – Cậu ấy để tay thành hình khẩu súng và chĩa về phía tôi.
- Mãi mới bắt được quả tang nhé! – Tôi giơ hai tay lên trời như đầu hàng rồi tủm tỉm cười.
Chúng tôi nhìn nhau cười một tràng sảng khoái. Tôi vẫy tay chào rồi đóng cửa sổ lại, quên mất rằng chúng tôi vẫn chưa có dịp biết tên nhau.
MƯA ĐẦU THÁNG TƯ
Mưa rào đầu Hạ rơi xối xả như đã kìm nén từ lâu lắm. Tôi nhìn ra cửa sổ ngắm những hạt nước to tạt vào khung kính rồi vỡ tan ra thành từng mảnh nhỏ trong veo. Tôi áp bàn tay lên kính để cảm nhận hơi lạnh và lắng nghe tiếng mưa rơi vọng rào rào từ bốn phía. Mưa giăng trắng xóa chẳng nhìn thấy mặt người, lại càng không thể nhìn thấy những gì đang diễn ra sau ô cửa kính tầng ba của nhà đối diện. Đã một tháng từ khi chuyển đến, tôi và Giấy Màu mới chỉ gặp nhau được vài lần và vẫn chưa có cơ hội biết tên. Tôi gọi cậu ấy là Giấy Màu, vì tôi chú ý đến cậu ấy nhờ những mảnh giấy vuông con con dán đầy trên cửa sổ.
Chiều tà, mưa ngớt. Tôi mở cửa sổ để hít đầy lồng ngực mùi hơi nước lửng lơ giữa không gian và lại gặp cậu ấy ngồi ở bàn học, chống cằm lên hai tay. Chúng tôi nhìn nhau một lúc lâu đầy thách thức, như thể thi gan xem ai có thể phá vỡ bầu không khí kỳ lạ này. Càng nhìn Giấy Màu, tôi lại càng cảm thấy cậu ấy giống như một bức tranh tương phản của tôi, có điều bức tranh ấy sinh động và rực rỡ hơn nhiều. Ào một cái, gió thổi lồng lộng làm cái rèm cửa sổ phòng tôi tung bay. Tôi đứng dậy cuộn cái rèm cho ngay ngắn rồi lại ngồi vào chỗ cũ.
- Hôm nay chẳng vui.
Giấy Màu viết bốn chữ thật to vào một tờ giấy A4 rồi giương lên cho tôi xem. Tôi trả lời bằng một dấu “?” to tướng.
- Biết vậy được rồi. Cậu ấy lại viết đúng bốn chữ như thế rồi chìa ra. Tôi phải làm gì đó, Giấy Màu đang không vui kia mà.
- Vậy tớ cũng sẽ không vui nữa.
Tôi trả lời, kèm theo icon mặt buồn như sắp khóc đến nơi. Đường phố bắt đầu lên đèn, tiếng còi xe dày đặc đan chéo nhau trong không gian, và có hai đứa nhóc dở hơi đang nói chuyện với nhau trong yên lặng. Tôi nhìn kỹ vào những mảnh giấy nhớ dán trên cửa kính, đằng sau nó chẳng có chữ viết, cũng chẳng có hình thù nào hết, chỉ là những mảnh giấy đầy màu sắc giản đơn cứ mỗi khi gió nổi là lại chuyển mình phơ phất.
Giấy Màu gửi cho tôi một cái mặt cười và viết bên dưới dòng chữ “CẢM ƠN!!!”.
- Không có gì, quà tân gia đấy!
Tôi đáp, mỉm cười với Giấy Màu và thi thoảng liếc nhìn vào những mảnh giấy nhớ trống không.
Tối hôm sau, Giấy Màu ra hiệu cho tôi lên sân thượng. Cậu ấy bảo tôi hãy mặc thêm áo khoác mỏng vì trời đêm có sương. Lúc đó là 9 giờ tối. Cả khu phố im lìm. Các nhà cửa đóng then cài kín mít. Giấy Màu lại ngồi vắt vẻo trên lan can, hai tay đút vào túi áo, thủng thẳng hỏi:
- Ở nhà một mình mãi có buồn không?
- Buồn chứ sao không. Nhưng quen mất rồi.
Giấy Màu không hỏi thêm gì nữa. Cậu ấy ngồi vắt vẻo rồi trỏ tay lên trời, nói về mấy chòm sao với những hình thù ngộ nghĩnh. Tôi nghe thấy tiếng ai đó gọi cậu ấy từ ban công tầng ba.
- Mẹ tớ đấy! Có ai đó gọi điện cho tớ. Lười xuống bây giờ quá!
Tôi cười.
- Này, nếu Chủ Nhật bố mẹ cậu về muộn, sang nhà tớ ăn cơm tối nhé! Tối Chủ Nhật nào