Ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng 5, con mở lịch xem ngày. Ngày của mẹ, ừ thì đúng là ngày của mẹ, cả thế giới chúc mừng những người mẹ, con cũng muốn chúc mừng sinh nhật mẹ.
Ngày bé, con vẫn thường đua theo nhiều người để thắc mắc câu hỏi: “Tại sao ngày của phụ nữ thì nhiều mà lại không có ngày của đàn ông?”, nào là ngày 8 tháng 3, ngày 20 tháng 10, kể cả ngày 20 tháng 11 cũng ưu tiên cho cô giáo nhiều hơn thầy giáo. Bằng chứng là sau ngày ấy, con chỉ thấy các cô giáo khoe nhau những tà áo dài mới do học sinh tặng chứ không nhìn thấy các thầy ngồi lại với nhau để nói chuyện về những món quà ngày nhà giáo Việt Nam.
Con thắc mắc như vậy không phải vì con yêu bố hơn mẹ, cũng không phải vì nhà mình nhiều nam giới hơn, mà vì… nhiều người thắc mắc nên con cũng muốn biết câu trả lời thôi mẹ ạ.
Ngày chủ Nhật thứ nhì của tháng 5, hơn hai mươi năm con là con trai của mẹ, con mới biết đó là ngày của mẹ. Con có sai không mẹ? Không đâu mẹ nhỉ? Vì dù có biết ngày này, con cũng đâu thể làm gì cho mẹ. Tặng hoa ư? Con sẽ bị mẹ trách vì sao phải tốn tiền. Tặng vải áo dài để mẹ giống các cô giáo khác, mặc chiếc áo dài mới do chính tay con trai mẹ chọn vải ư? Mẹ sẽ lại nói tốn tiền công may, nói mẹ còn hai bộ áo dài mặc hoài không hết, sẽ nói con phung phí tiền mà thôi. Hay là đưa mẹ đi ăn uống, tổ chức tiệc tùng như con thường làm với lũ bạn? Cũng không được đâu mẹ nhỉ? Mẹ sẽ lại nói ăn ở ngoài không an toàn, ở nhà thích món gì mẹ nấu cho ăn.
Nhưng những món mẹ nấu cũng chỉ dừng ở mức canh gà và sườn xào chua ngọt, mẹ biết bốn bố con thích ăn hai món ấy nhất, nhưng ăn hoài, nhất là ăn vào ngày đặc biệt cũng chán lắm mẹ à. Đi du lịch mẹ nhỉ? Làm sao đi được đây? Cả vườn cà phê chưa ai chăm lo; vườn ngô mới tỉa đã lên nên phải vun đất, làm cỏ; ai sẽ cho đàn gà và mấy con ngan ăn? Còn phải lên trường nữa, mùa thi rồi mà… Loay hoay với mớ suy nghĩ, cuối cùng con cũng không làm gì được cho mẹ.
Khi viết đến dòng này, nước mắt con cũng chực thành dòng rồi mẹ à. Bởi vì những điều con nói ở trên, giờ chỉ là tưởng tượng. Con quên mất là con đang đi học xa nhà, con quên mất là mình chỉ là một đứa sinh viên còn ăn bám gia đình, con quên mất… căn nhà giờ đây chỉ còn bốn bố con, mẹ à.
Con nhớ, những bài văn của mình hồi tiểu học, cấp hai, khi viết về người con yêu thương, con chọn mẹ. Vì như thế con sẽ viết hay hơn, sẽ được điểm cao hơn và dĩ nhiên, những bài văn điểm cao ấy luôn được con giấu nhẹm đi vì sợ bố nhìn thấy. Nhưng giờ thì con biết, viết về người đã không còn thật khó mẹ à, dù trong trái tim con vẫn còn người ấy, nhưng trí óc con lại mang một hình bóng mờ nhạt lắm. Con không phải là đứa con ngoan phải không mẹ?
Những giọt nước mắt rơi xuống khung hình của người con yêu thương, của người con luôn kính trọng. Con nhớ ra rồi, con nhìn rõ rồi, con thấy mẹ rồi… mẹ à.
Ngày chủ Nhật thứ nhì của tháng 5, con mở lịch xem ngày.
Ngày của mẹ, ừ thì đúng là ngày của mẹ, cả thế giới chúc mừng những người mẹ, con cũng muốn chúc mừng sinh nhật mẹ. Sẽ có bố, hai anh trai và chị dâu cả thay con đặt hoa, làm món ăn ngon cho mẹ, thay con. Con sẽ nói anh hai mua bánh sinh nhật có nến, rồi nhờ anh ba thổi nến giúp mẹ nữa nhé, còn mẹ hãy cứ ngồi nghỉ ngơi thôi, không cần nấu nướng hay làm gì đâu mẹ à, vì đó là ngày của mẹ mà, mẹ nhỉ?
Trò Chuyện Cuộc Sống Lúc mọi người tưởng chị đã chết thì chị lại được cứu sống như một sức mạnh diệu kỳ. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chị lại ......Xem tiếp »
Trò Chuyện Cuộc Sống Hãy cứ tiếp tục đi trên con đường ấy em nhé! Đó là điều mà anh muốn nói với em lúc này, và đó cũng là tất cả những gì mà anh có thể n......Xem tiếp »
Trò Chuyện Cuộc Sống Những ngày hôm ấy… Lặng lẽ bên anh. Lặng lẽ nhìn anh như thế. Nụ cười giòn tan bên đám bạn thân. Rạng rỡ trong bình minh đầy nắng. Nhẹ ......Xem tiếp »
Trò Chuyện Cuộc Sống Ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng 5, con mở lịch xem ngày. Ngày của mẹ, ừ thì đúng là ngày của mẹ, cả thế giới chúc mừng những người m......Xem tiếp »
Trò Chuyện Cuộc Sống Cái tuổi dở dở ương ương khi yêu đương chẳng còn mang lại những điều mới lạ khi cảm xúc trong ta đã bắt đầu chai sạn và ngỡ ngàng nhậ......Xem tiếp »